5/3/11

Bài 7 Ứng xử&Thái Độ Khi Phỏng Vấn

Ứng viên chuyên nghiệp – Thái độ khi phỏng vấn

Mục tiêu của mọi ứng viên là tìm được công việc ưng ý. Nhưng thực tế, từ mục tiêu đến kết quả cuối cùng là cả một hành trình có thể kéo dài từ ngày này qua tháng nọ. Để có được vị trí top trong danh sách dài của nhà tuyển dụng (NTD), bạn cần chứng tỏ “đẳng cấp” chuyên nghiệp của mình qua mỗi lần tiếp xúc. Nhưng đừng vội nghĩ rằng NTD sẽ sẵn lòng chỉ ra cho bạn những điều bạn cần sửa chữa. Nhiệm vụ của NTD là “đãi cát tìm vàng”, và nếu bạn không đáp ứng đủ yêu cầu của họ, tên bạn sẽ bị gạt khỏi “bảng vàng”. Trong loạt bài tư vấn “Ứng viên chuyên nghiệp”, chúng tôi sẽ giúp bạn nhận ra những thái độ ứng xử cần tránh cũng như những điều nên làm để dễ dàng “lọt vào mắt xanh” NTD, bắt đầu từ lần phỏng vấn đầu tiên.
Sau khi qua vòng sơ tuyển – lọc hồ sơ, bạn được chọn vào "vòng loại trực tiếp” – phỏng vấn. Cung cách ứng xử và thái độ của bạn sẽ là yếu tố quyết định bạn có “qua” được vòng này hay không. Điều quan trọng khi đi phỏng vấn (bên cạnh việc đến đúng giờ, trang phục chỉnh tề) là giữ thái độ bình tĩnh và tránh phạm phải những lỗi dưới đây.
1. “Đi cho biết”
Không gì khiến NTD rất bực mình bằng việc trò chuyện với một ứng viên mà người này không tỏ vẻ quan tâm, hoặc chỉ trả lời hời hợt. Hỏi ra thì ứng viên chỉ “đến để biết công ty ra sao rồi mới cân nhắc có chấp nhận làm việc hay không”. Anh Ân, Trưởng phòng Nhân sự công ty EDF, đã từng ngồi chờ một ứng viên hết cả 20 phút trước khi phát hiện ra rằng “nhân tài” của mình đang đi lòng vòng trong công ty để “hỏi thăm” tình hình làm việc trước khi vào gặp NTD. Đến đây thì không phải bàn cãi gì thêm, tên của ứng viên này được lưu vào “sổ bìa đen” vô thời hạn.
2. Nghe điện thoại khi phỏng vấn
Hà được NTD đánh giá là một ứng viên sáng giá cho vị trí Phó phòng Kinh doanh. Nhưng cuối cùng, chiếc ghế phó phòng lại về tay một người khác còn Hà thì vẫn đang “lận đận” gõ cửa nhiều công ty. Lý do nhiều NTD từ chối Hà là vì cô nàng liên tục nghe điện thoại và trả lời tin nhắn khi đang phỏng vấn đến nỗi NTD phải nhắc khéo Hà tắt điện thoại.
Việc nghe điện thoại khi đang phỏng vấn là một trong những điều tối kỵ. Nếu bạn đang chờ một cuộc gọi cực kỳ khẩn cấp hoặc có công việc cực kỳ gấp phải giải quyết qua điện thoại, hãy hỏi ý NTD trước khi buổi phỏng vấn bắt đầu. Chỉ nên nghe điện thoại khi NTD đồng ý và cố gắng kết thúc cuộc gọi sớm. Thông thường NTD phải tiếp xúc khá nhiều ứng viên và sẽ không có đủ thời gian nếu bạn cứ “cà kê” trên điện thoại. Nếu bạn không ở trong bất kỳ tình huống “cực kỳ” nào bên trên, hãy tắt điện thoại trước khi vào phỏng vấn.
3. Nói lan man
Hãy cho tôi biết về bạn!” là một câu hỏi nhiều NTD rất “sợ” phải hỏi nhưng không hỏi thì không được. Nhiều ứng viên vừa nghe đến câu hỏi này là lập tức “tuôn” tràng giang đại hải về tiểu sử bản thân, sở thích, thói quen của mình. Ngược lại, những thông tin cần thiết cho NTD như công việc, những điều bạn thích khi làm việc và những gì động viên tinh thần làm việc thì lại không thấy nói đến.
4. Quá tự hào về bản thân
Bạn hoàn toàn có quyền tự hào về những thành tích mình đạt được nhưng nên thể hiện một cách khiêm tốn. Bạn có thể nói “Tôi không tự nhận mình là người giỏi nhất, nhưng tôi luôn cố gắng hết sức và nỗ lực của tôi được đền đáp với giải nhất cuộc thi XYZ.” Ngược lại, nếu bạn vỗ ngực: “Sau khi qua mặt 2 ứng viên nặng ký cho ghế Giám đốc và thắng luôn ứng viên sáng giá cuối cùng bằng bảng kế hoạch kinh doanh xuất sắc, vị trí Giám đốc Kinh doanh tại công ty ABC đương nhiên trở thành của tôi”, chỉ cần đến đây, NTD có thể nhẹ nhàng gạch tên bạn ra khỏi danh sách.
Bên cạnh đó, có những ứng viên chọn cách “thêu dệt” thêm thành tích nhằm làm lý lịch của mình “đẹp” hơn, nhưng NTD tinh ý luôn dễ dàng phát giác những chi tiết “giả tưởng” này. Không gì sáng suốt bằng việc nói đúng sự thật và khiêm tốn.

Bài 6 Nhà Tuyển Dụng Muốn Gì Ở Bạn?

Nhà tuyển dụng muốn gì ở bản CV của bạn
           
            CV thường được thiết kế để làm một điều quan trọng duy nhất: giúp bạn được gọi vào vòng phỏng vấn. Trung bình nhà tuyển dụng sẽ dành khoảng từ 20-30 giây để “lướt” một bản CV, điều đó có nghĩa bạn cần phải tạo ấn tượng một cách nhanh chóng với nhà tuyển dụng.

            Nhưng làm cách nào để bạn biết được nhà tuyển dụng thực sự muốn tìm kiếm gì trong hàng trăm bản CV họ có trong tay và làm cách nào để CV của bạn được lọc ra, được lựa chọn vào vòng tiếp theo? Những gợi ý sau sẽ giúp bạn có được lợi thế hơn đối với những đối thủ cạnh tranh.

Lời tuyên bố cá nhân
            Đây là cơ hội đầu tiên để bạn tạo ấn tượng. Nếu bạn gặp bất cứ một sai lầm nào đó, cơ hội được mời đến phỏng vấn của bạn sẽ giảm đi đáng kể.

            Nhà tuyển dụng cần có lý do để tiếp tục đọc phần lại của bản CV. Họ dường như ít quan tâm đến những gì bạn mong muốn trong sự nghiệp của mình. Họ  muốn biết những gì bạn sẽ làm cho họ, làm thế nào bạn có thể đem lại lợi nhuận cho họ. Hầu hết ứng viên không nắm được điều này, bản CV của họ rơi vào một cái bẫy: định hướng bản thân.

            Chẳng hạn những câu và cụm từ phát biếu về bản thân như: “Tìm kiếm những cơ hội thể hiện kiến thức bản thân là mục tiêu nghề nghiệp của tôi” hay “tìm kiếm một cơ hội thử thách bản thân là mục đích của tôi trong thời gian tới”…bạn cần phải tránh sử dụng vì nó hoàn toàn tập trung để nói về bạn. Thay vào đó, lời phát biểu cá nhân của bạn cần phải tạo ra giống như một lời quảng cáo bắt mắt như kiểu: Nếu bạn mua sản phẩm này bạn sẽ nhận được những lợi ích vô cùng cụ thể và đặc biệt…

Lịch sử và kinh nghiệm làm việc
            Nhà tuyển dụng dành nhiều thời gian để xem xét phần này hơn bất kỳ một phần nào khác trong CV của bạn. Do đó trong phần này bạn phải đưa ra được những “bằng chứng” thuyết phục rằng bạn là một ứng viên phù hợp.

            Phần này cần phải trả lời được những câu hỏi sau: Tại sao nhà tuyển dụng nên chọn bạn chứ không phải bất kỳ một ứng viên nào khác? Làm thế nào bạn có thể làm ra lợi ích cho công ty? Điều gì là duy nhất và nổi bật ở bạn? Làm thế nào bạn có thể đáp ứng được những yêu cầu của họ? Các nhà tư vấn tuyển dụng khuyên bạn rằng hãy để cho nhà tuyển dụng có cảm giác như đang đọc một câu chuyện về bạn khi đọc phần nói về lịch sử và kinh nghiệm làm việc. Hãy bắt đầu với công việc gần nhất của mình, tiếp sau đó là những công việc khác với thứ tự thời gian đảo ngược.

            Kinh nghiệm và thành công trong công việc gần đây cần được dành nhiều sự đầu tư nhất, vì đó là kinh nghiệm và kỹ năng bạn đạt được trong cả một quá trình công tác, nó là nhân tố lớn nhất xác định bạn có phù hợp với vị trí họ đang tuyển hay không, các công việc trước đó chỉ có giá trị như một sự tham khảo thêm.

            Bất kể bạn tìm cách gây ấn tượng thế nào về bản CV của mình cần phải tuân thủ một nguyên tắc: không nói khống, nói dối về khả năng của mình, bởi vì nhà tuyển dụng sẽ cực kỳ khó chịu khi phát hiện ra bạn đang cố tô vẽ bản thân. Với họ đó chẳng khác nào một sự lừa đảo và hành vi gian dối. Trong một cuộc khảo sát tại Anh mới đây được thực hiện bởi: “Nhóm tư vấn rủi ro” đã chỉ ra rằng có đền 50% số CV ở Anh chứa đựng ít nhất một chi tiết không đúng sự thật. Tất cả những trường hợp này nếu may mắn lọt vào vòng phỏng vấn đều ít nhiều bị nhà tuyển dụng phát hiện ra và họ lấy đây là một yếu tố đánh giá “lương tâm” nghề nghiệp của ứng viên.

Học vấn

            Tìm kiếm việc làm giống như một trò chơi có người mua và kẻ bán trên thị trường. Bạn là người bán và nhà tuyển dụng là người mua. Để làm cho mình hấp dẫn hơn các đối thủ cạnh tranh bạn cần sử dụng hết những công cụ bạn có trong kho vũ khí của bạn.

            Nếu bạn tốt nghiệp ở một trường đại học được đánh giá cao, với kết quả học tập xuất sắc hoặc đang theo học một khóa học hướng đến một trình độ chuyên môn cao phục vụ cho vị trí đang tuyển dụng, bạn nên nhấn mạnh điều này ở phần đầu của bản CV. Tuy nhiên nếu quá trình làm việc và những kinh nghiệm có được là điều bạn muốn nhấn mạnh và “khoe” với nhà tuyển dụng, bạn nên đặt phần này lên đầu bản CV, phần trình bày về học vấn nên đặt ở cuối - như là một nội dụng có tính chất tham khảo thêm.

Kỹ năng

            Phần này nhấn mạnh lợi thế của bạn như một nhân viên tiềm năng. Hãy làm cho nó thật đơn giản để nhà tuyển dụng có thể nhận biết một cách dễ dàng tài năng của bạn và thật rõ ràng về những gì bạn có thể cống hiến được cho công ty của họ. Nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm ở phần này như là một nội dung trả lời cho câu hỏi: Họ sẽ nhận lại được những gì khi đầu tư vào bạn.

            Nếu bạn không rõ vị trí này cần những kỹ năng gì vì mục thông tin tuyển dụng của họ cung cấp quá ít thông tin, hãy tìm kiếm ở những vị trí tuyển dụng tương tự của những công ty khác. Sau khi đã liệt kê những kỹ năng đòi hỏi từ những công việc tương tự, hãy tìm xem những kỹ năng nào bạn có thể đáp ứng. Liệt kê những kỹ năng đó theo những danh mục rõ ràng như: kỹ năng liên quan đến chuyên môn, kỹ năng giải quyết tình huống, kỹ năng giao tiếp, hợp tác…

Đừng quên độc giả của bạn là ai

            Nhà tuyển dụng đã mất thời gian để tìm hiểu CV của bạn, và họ không muốn có cảm giác như đang đọc một bảng kiệt kê khách mời trong một đám cưới hay một thực đơn cho một bữa tiệc.

            Hãy đảm bảo rằng bản CV của bạn ngắn gọn nhưng rõ ràng và hướng tới những mục tiêu mà nhà tuyển dụng đang kiếm tìm. Cho dù bạn thiết kế bản CV của mình theo phương thức nào, điều quan trọng nhất là hãy làm thỏa mãn nhà tuyển dụng bằng cách trả lời ba câu hỏi mà họ đặt ra: Bạn có thể làm được gì cho tôi? Bạn đã làm được những gì trước đó? Bạn có thể lặp lại những thành công của mình một lần nữa cho công ty của tôi hay không?