16/12/12

BỐ BẢO CON TRAI TRƯỚC KHI LẤY VỢ


Bố bảo lúc giận có thể cãi nhau nhưng đừng thượng cẳng chân hạ
cẳng tay. Cãi nhau không có nghĩa con dùng những lời lẽ xúc
phạm dành cho người mà con sẽ đầu gối tay ấp cả cuộc đời . Cãi
nhau có nghĩa là nói hết những gì trong lòng để 2 Vợ Chồng con
hiễu lẫn nhau, thông cảm cho nhau, xóa đi hết mỏi hiểu lầm. Bản
thân con còn chẳng hiểu được con, thế nên đừng mong người
khác phải hiểu con khi con cứ giữ trong lòng.
Bố bảo cãi nhau với phụ nữ thì đừng có nói nhiều. Chỉ cần nói vừa
đủ. Độ khuếch tán âm thanh của đàn ông chẳng bao giờ bằng phụ
nữ. Một người vợ chân chính sẽ đủ tinh tế để biết khi nào cần nói,
lúc nào nên im lặng - ngay cả trong khi nóng giận nhất.
Bố bảo nhìn vào chiếc giường là biết cuộc sống vợ chồng có hạnh
phúc hay không. Dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, đừng mang
chăn gối ra sofa ngủ, cũng đừng quay lưng vào người vợ của
con, hãy ôm cô ấy vào bờ vai và khuôn ngực nóng hổi của
con. Tất cả sẽ qua đi, chỉ tình yêu còn lại.
Bố bảo dù ở ngoài XH, con có là xe ôm, hay ông lớn, ông bé, thì
về nhà con vẫn là trụ cột của gia đình. Vợ con có thể là người phụ
nữ rất đảm đang, (cô ấy có thể đóng đinh, sửa ống nước hay tháo
quạt trần, nhưng hãy làm việc đó - trừ khi con quá bận.( Nó vừa
thể hiện sự công bằng, vừa thể hiện sự chia sẻ vợ chồng.
Bố bảo sau khi kết hôn sẽ hơn một lần con cảm thấy hối hận, thậm
chí có mối quan hệ ngoài chồng ngoài vợ. Mỗi lần như vậy con
hãy nhớ rằng : Người bồ hiện tại yêu con mười phần, người vợ
hiện tại cũng đã từng yêu con mười phần, nhưng ( như một số
blogradio đã nói) khi bước vào hôn nhân, vai trò của phụ nữ
càng trở nên phức tạp hơn, ngoài tình yêu họ còn có cả trách
nhiệm. Vì vậy khi đã kết hôn, người ta sẽ không thể yêu con mười
phần được nữa. Họ phải dành một phần trong số đó để yêu bố mẹ
chồng, rồi lại một phần để yêu bố mẹ họ, còn thêm một phần nữa
cho con cái. Và như thế, mười phần tình yêu khi bước qua hôn
nhân chỉ còn lại bảy phần. Bằng cách này hay cách khác, 3 phần
con mất đi từ người vợ sẽ được nhận lại gấp đôi từ gia đình và con
cái của con. Và một lí do nữa, người bồ sẽ chỉ đem lại cho con
hạnh phúc nhất thời, còn người vợ sẽ đem lại cho con hạnh phúc
bền vững. Thật tuyệt vời phải không?
Bố bảo thời kì mang thai là thời kì khó khăn nhất đối với người
phụ nữ. Là bởi vì muốn có được thiên thần thì phải qua thời gian
khổ cực. Chính vợ con là người đã gánh vác sự khổ cực đó để đem
lại niềm vui cho cả nhà. Thế nên đừng thở dài khi thấy vợ con
chẳng còn được vẻ đẹp thời thiếu nữ, hay cũng đừng tức giận khi
con nằm cạnh vợ mà chẳng thể làm gì. Hãy cùng cô ấy cảm nhận
niềm vui của những ông bố bà mẹ, chắc sẽ thú vị lắm.
Bố bảo chuyện mẹ chồng nàng dâu là chuyện muôn thuở, giống
như bệnh tiền mãn kinh vậy. Thế nên con hãy là sợi dây kêt nối họ -
hai người phụ nữ yêu con nhất trên đời. Đừng để mẹ cảm thấy bà
đã mất con trai, và vợ con cảm thấy chồng mình là người nhu
nhược. Như thế mới là đàn ông chân chính.
Bố bảo rằng đừng tưởng người mẹ mới dạy dỗ được con. Theo
nghiên cứu của các nhà khoa học, trong thời gian người mẹ mang
thai thì người cha mới là người ảnh hưởng lớn nhất đến tình cảm
và sự phát triển của trẻ. Con có thể không là người bố tuyệt vời
nhất thế giới, nhưng hãy là người bố tuyệt vời nhất trong lòng
những đứa con.
Bố bảo ” Phụ nữ là để yêu, không phải để hiểu”. Nhưng nếu
không hiểu, thì con chẳng thế yêu. Hãy hiểu họ bằng chính trái
tim mộc mạc của con.
Bố bảo ” quá khứ là thứ đã qua, hiện tại mới là cuộc sống”.
Nếu quá khứ của vợ con có lỗi lầm, đừng chấp nhặt, cũng đừng
đay nghiến, vì đồng ý lấy vợ, là con đã chấp nhận tất cả những
gì thuộc về cô ấy. Hãy khoan dung và độ lượng. Dù không nói
ra nhưng chắc chắn, cô ấy sẽ yêu con đến suốt cuộc đời - một
tình yêu bao gồm cả sự biết ơn và tôn trọng.
Và cuối cùng bố bảo, cuộc sống luôn thay đổi, hãy biết trân trọng
từng ngày.
“Một mình gánh vác trách nhiệm, hai vai nặng trĩu cơ
đồ, ba canh cặm cụi bên bàn, tứ thời chạy ngược chạy
xuôi, vinh nhục biết chia sẻ cùng ai, bể dâu khắc sâu
đuôi mắt, nghĩa vụ đối với gia tộc, gập ghềnh chông gai
con đường công danh, là người phàm tục làm sao mười
phân vẹn mười. Lúc nào cũng tận tình với vợ con… Đấy
là chồng em”.
Mẹ bảo con gái trước khi lấy chồng !
♥ Mẹ bảo, lúc giận đừng có cãi nhau, có thể không nói gì,
không giặt quần áo của chồng, nhưng không được cãi nhau
với chồng.
♥ Mẹ bảo, cãi nhau với đàn ông thì đừng có chạy ra
ngoài mà oang oang khắp nơi, anh ta tiến về phía con
một bước thì con hãy bước về phía anh ta hai bước.
♥ Mẹ bảo, ngôi nhà chính là chỗ đóng quân của người phụ
nữ, cho dù có xảy ra chuyện gì thì cũng đừng có bỏ đi. Bởi
vì, đường trở về rất khó khăn.
♥ Mẹ bảo, hai người trong nhà đừng có lúc nào cũng
chỉ nghĩ đến sĩ diện, hai người sống với nhau, sĩ diện
quan trọng lắm sao? Nếu thế thì ra ngoài sống thế nào
được?
♥ Mẹ bảo, bất kể một người đàn ông giàu có, nhiều tiền như
thế nào thì anh ta vẫn hi vọng có thể nhìn thấy con sạch sẽ
thơm tho ở trong một ngôi nhà sạch sẽ tươm tất và đợi anh
ta.
♥ Mẹ bảo, đàn ông tốt rất nhiều, anh ta sẽ không bao
giờ đi ôm người phụ nữ khác. Nhưng trong cái xã hội
như thế này, có rất nhiều phụ nữ xấu sẽ giang tay ra ôm
lấy người đàn ông của con.
♥ Mẹ bảo, phụ nữ nhất định phải ra ngoài làm việc, cho dù
là kiếm được nhiều hay ít, làm việc chính là sự thể hiện giá
trị cuộc sống của bản thân. Nếu con cứ ở nhà mãi, anh ta sẽ
có cơ hội nói trước mặt con rằng: "Tôi đang nuôi cô đấy."
♥ Mẹ bảo, con đi làm bên ngoài, dù có bận lắm là bận thì
vẫn phải làm việc nhà, nếu không thì dùng tiền của
mình mà tìm một người giúp việc theo giờ. Việc trong
nhà nhất định phải lo liệu tốt, con cái cũng phải nuôi
dạy cho tốt.
♥ Mẹ bảo, anh ta vì con mà làm những việc mà con không
bao giờ ngờ tới, con có thể cảm động, có thể khen ngợi,
nhưng nhất quyết không được châm chọc kiểu "hôm nay
mặt trời mọc đằng tây rồi hay sao", vì nếu như vậy, sau này
anh ta sẽ không bao giờ làm bất cứ việc gì vì con nữa.
♥ Mẹ bảo, chẳng có ai là một nửa của ai cả, ý nghĩ của
con mà không nói ra thì ai mà biết được? Cần cảm nhận
cái gì, ghét việc gì, con phải nói ra thì người ta mới hiểu
được.
♥ Mẹ bảo, bố mẹ anh ta cũng là bố mẹ con, cho dù bố mẹ
anh ta đối xử với con không được tốt cho lắm, thì con cũng
phải đối tốt với họ. Bởi họ là bố mẹ của anh ta.
♥ Mẹ bảo, một khi đã quyết định sống cùng người đó
rồi, thì đừng có oán thán cuộc sống khó khổ, nếu như
con đã chọn anh ta, thì đừng có oán trách anh ta.
♥ Mẹ bảo, nhiều tiền như thế thì có tác dụng gì, anh ta đâu?
Anh ta đang ở đâu?
♥ Mẹ bảo, cả đời này chúng ta có thể tiêu hết bao nhiêu
tiền? Đừng mua những đồ xa xỉ mà làm gì, sống hạnh
phúc là tốt rồi.
♥ Mẹ bảo, đừng có dọa con cái là "mẹ không cần con", lúc
cáu giận đừng có đuổi con cái ra khỏi nhà, chẳng may
không thấy nó thật, con sẽ rất đau khổ.
♥ Mẹ bảo, đừng đánh con cái, lại càng không nên lôi ra
ngoài mà đánh.
♥ Mẹ bảo, tình yêu mà cứ đánh đấm đâm giết nhau đúng là
mãnh liệt thật, cũng rất lãng mạn. Nhưng không thực tế. Cứ
bình thường thôi là được.
♥ Mẹ bảo, cái gì thì cũng đều là duyên phận cả.
Và Mẹ cũng bảo, cuộc sống luôn thay đổi, phải
biết trân trọng từng ngày
...Hãy nhớ nhé các bạn, cuộc sống luôn thay đổi,
phải biết trân trọng từng ngày ♥
“Một gia đình ấm cúng, hai bàn tay làm lụng, ba canh
ngồi chờ anh về, bốn mùa dặn anh giữ gìn sức khỏe,
năm tháng săn sóc anh chí tình, sáu mươi mẹ già vui vẻ,
bảy ngày trong tuần nuôi dạy con cái, tám phương giữ
gìn uy tín của anh, chín giờ thường xuống bếp làm món
anh khoái khẩu, mười năm hao tổn tuổi xuân. Vì ai… Đó
là vợ anh”.
Dù ở thời đại nào, dù ở lứa tuổi nào thì chia sẻ luôn là một nhu cầu
không thể thiếu. Bạn hãy thử tưởng tượng xem, nếu cuộc sống xung
quanh ta bỗng một ngày thiếu đi sự chia sẻ, trò chuyện giữa bạn bè, gia
đình thì sẽ như thế nào? Có lẽ, khi ấy, bạn sẽ thấy thế giới xung quanh
chỉ là một hoang đảo khô cằn .
Trong cuộc sống, điều gì quan trọng đối với bạn?
Một triết gia đã nói: "“Con người không chỉ sống bằng bánh mì. Mọi người
đương nhiên cần thực phẩm. Cùng tình yêu và lòng trìu mến nữa. Nhưng có
điều gì khác mà tất cả chúng ta đều cần: đó là biết chúng ta là ai và tại sao
chúng ta sống”.
Có bao giờ bạn ngồi một mình và suy nghĩ: "Điều quan trọng nhất trong
cuộc sống của bạn là gì?". Tôi cũng đã suy nghĩ và nhận ra Hạnh phúc là
thứ mình luôn cần và mong muốn giữ gìn mãi mãi. Hạnh phúc vì được là
chính mình và sống cho những người mà ta yêu quý.

Mẹ Bảo Con Gai

Mẹ bảo:  Trái tim người đàn ông giống như cái động không đáy. Phụ nữ vì yêu mà muốn bước vào tận sâu trong cái động ấy. Nhưng là… càng bước càng thấy hun hút, hoang mang và hoảng sợ rồi tự mình chết đuối lúc nào chẳng biết.
.
Hạnh phúc của người phụ nữ đơn giản lắm ! Đừng nên tham lam và đòi hỏi ở người đàn ông mình yêu tròn vẹn và tuyệt đối. Một người đàn ông tốt và yêu thương con, không phải là người đàn ông sẽ mở toang cánh cửa trái tim mình để con có thể nhòm vào đó, nhìn thấu rõ tâm can.
Đàn ông chỉ cho con thấy tình yêu bằng miệng, là đàn ông vứt đi. Miệng nói thì gió bay, những kẻ rơi nước mắt vì tình yêu, những kẻ luôn mồm sống chết vì tình yêu, sẵn sàng vứt bỏ cả mạng sống mình vì tình yêu là những kẻ không thể và sẽ không bao giờ là chỗ dựa tin cậy và bền vững. Một người có thể tự giết bản thân mình, cũng sẽ có ngày cầm được dao đâm người khác.
Con hãy nhớ, người đàn ông xứng đáng để con dựa vào - là người có thể đi trăm ngàn nẻo đường, vẫn quay về bên gia đình, bên vợ con.
Còn con, hãy luôn khắc ghi: Một người vợ tốt là gì? Là không nên và tuyệt đối không bao giờ được mở miệng ra đòi hỏi bình đẳng ngang hàng ngang vế với chồng. Hạnh phúc của người phụ nữ là giữ lửa cho gia đình, cho dù có lúc con thấy trăm bề thiệt thòi, trăm bề vất vả, con phải luôn nhắn nhủ mình rằng - người phụ nữ sinh ra vốn không phải để tranh đấu quyền lực. Thượng đế cho phụ nữ một trái tim nóng là để sưởi ấm gia đình. Chỉ có gia đình mới là hạnh phúc suốt đời của người phụ nữ.
Một người đàn ông thành công là luôn có người phụ nữ âm thầm ở đằng sau. Một người phụ nữ hạnh phúc là luôn có người đàn ông tin cậy.
Không có vợ chồng nào đi đến trọn vẹn cuối đời mà không trải qua sóng gió. Những khi bát đũa xô lệch, con hãy đặt tay lên trái tim mình mà nhớ lại tháng ngày con và chồng đã yêu thương nhau. Tình yêu không phải là tất cả để người ta đồng hành với nhau đến hết đời, có những thứ lớn hơn cả tình yêu đó là khi hai con đủ tin cậy và hiểu nhau để giữ cho mình một chữ Nghĩa.
Để đi hết con đường, thì người ta phải có đủ niềm tin, có đủ kiên nhẫn, có đủ vị tha, có đủ cảm thông, yêu thương thôi thì không đủ!
Vì thế, đừng bao giờ - cố gắng bước vào tận sâu trong trái tim người đàn ông để cân đo đong đếm tình yêu người ấy dành cho con.
Giữ một người đàn ông, giống như giữ một sợi dây, kéo căng thì đứt, chùn tay thì rơi - con có đủ thăng bằng - con sẽ là người hạnh phúc !

Ăn Mày Cũng Phải Học Kinh Tế

 

         Tôi xách túi đồ nhãn hiệu Levi's ra khỏi Plaza rồi đứng lại ở cửa chờ bạn. Một tay ăn mày chuyên nghiệp phát hiện ra tôi, sán tới đứng trước mặt. Câu chuyện của tôi chỉ có thế thôi. Thế nhưng tay ăn mày đã dạy tôi một bài học kinh tế còn sâu sắc hơn một khoá học tại chức kinh tế ở trường. Tôi kể câu chuyện này chính bởi ý nguyện của tay ăn mày đó.
       - Xin anh... cho tôi ít tiền đi! - Tôi đứng đó chả có việc gì nên tiện tay vứt cho hắn đồng tiền xu, rồi bắt chuyện cùng nhau.
       Ăn mày rất thích kể lể.
        - Tôi chỉ ăn mày quanh khu mua sắm này thôi, anh biết không? Tôi chỉ liếc một phát là thấy anh ngay. Đi mua Levi's ở Plaza chắc chắn nhiều tiền...
         - Hả? Ông cũng hiểu đời phết nhỉ! - Tôi ngạc nhiên.
         - Làm ăn mày, cũng phải ăn mày cho nó có khoa học. - Ông ta bắt đầu mở máy.
             Tôi ngẫm nghĩ một lát, thấy thú vị bèn hỏi:
        - Thế nào là ăn mày một cách khoa học?
       Tôi nhìn kỹ ông ta, đầu tóc rối bù, quần áo rách nát, tay gầy giơ xương, nhưng lại sạch sẽ.
Ông ta giảng giải:
       - Ai chẳng sợ và ghét ăn mày, nhưng tôi tin anh không ghét tôi, tôi đoan chắc điều đó. Đấy là điểm tôi khác biệt với những thằng ăn mày khác.
       Tôi gật đầu đồng ý, đúng là tôi không ghét ông ta, nên tôi đang nói chuyện với ông ta đấy thôi.
        - Tôi biết phân tích SWOT, những ưu thế, bất lợi, những cơ hội và nguy cơ. Đối mặt với những thằng ăn mày là đối thủ cạnh tranh của tôi, ưu thế (Strengths) của tôi là tôi không làm người ta phản cảm, lánh sợ. Cơ hội (Opportunities) và nguy cơ (Threats) thì chỉ là những yếu tố điều kiện bên ngoài thuộc về hoàn cảnh, có thể là dân số ở đây đông hay vắng, thành phố có quyết định chỉnh trang đô thị, dẹp hè phố chăng...
         
         - ...???
         - Tôi đã từng tính toán rất cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ) rằng, khu vực thương mại này người qua lại đông, mỗi ngày khoảng mười nghìn người, nghèo thì nhiều lắm, nhưng người giàu còn nhiều hơn. Trên phương diện lý luận thì giả như mỗi ngày tôi xin được mỗi người một đồng xu một nghìn đồng, thì mỗi tháng thu nhập của tôi đã được ba trăm triệu đồng. Nhưng thực tế thì đâu phải ai cũng cho ăn mày tiền, mà một ngày làm sao tôi đi xin được mười nghìn lượt người. Vì thế, tôi phải phân tích, ai là khách hàng mục tiêu của tôi, đâu là khách hàng tiềm năng của tôi.
Ông ta lấy giọng nói tiếp:
           - Ở khu Plaza này thì khách hàng mục tiêu của tôi chiếm khoảng 30% số lượng người mua sắm, tỉ lệ thành công khoảng 70%. Lượng khách hàng tiềm năng chiếm khoảng 20%, tỉ lệ thành công trên đối tượng này khoảng 50%. Còn lại 50% số người, tôi chọn cách là bỏ qua họ, bởi tôi không có đủ thời gian để tìm vận may của mình với họ, tức là xin tiền họ.
           - Thế ông định nghĩa thế nào về khách hàng của ông? - Tôi căn vặn.
           - Trước tiên, khách hàng mục tiêu nhé. Thì những nam thanh niên trẻ như anh đấy, có thu nhập, nên tiêu tiền không lưỡng lự. Ngoài ra các đôi tình nhân cũng nằm trong đối tượng khách hàng mục tiêu của tôi, họ không thể mất mặt trước bạn khác phái, vì thế đành phải ra tay hào phóng. Rồi tôi chọn các cô gái xinh đẹp đi một mình là khách hàng tiềm năng, bởi họ rất sợ bị lẽo đẽo theo, chắc chắn họ chọn cách bỏ tiền ra cho rảnh nợ. Hai đối tượng này đều thuộc tầm tuổi 20-30. Nếu tuổi khách hàng nhỏ quá, họ không có thu nhập, mà tuổi già hơn, thì họ có thể đã có gia đình, tiền bạc bị vợ cầm hết rồi. Những ông chồng đó biết đâu có khi đang âm thầm tiếc hận rằng không thể ngửa tay ra xin tiền của tôi ấy chứ!
          - Thế thì mỗi ngày ông xin được bao nhiêu tiền?
          - Thứ hai đến thứ sáu, sẽ kém một chút, khoảng hai trăm nghìn. Cuối tuần thậm chí có thể 4-500 nghìn.
         - Hả? Nhiều vậy sao?
Thấy tôi nghi ngờ, ông ta tính cho tôi thấy:
         - Tôi cũng khác gì anh, tôi cũng làm việc tám giờ vàng ngọc. Buổi sáng từ 11h đến tối 7h, cuối tuần vẫn đi làm như thường. Mỗi lần ăn mày một người tôi mất khoảng 5 giây, trừ đi thời gian tôi đi lại, di chuyển giữa các mục tiêu, thường một phút tôi xin được một lần được một đồng xu 1 nghìn, 8 tiếng tôi xin được 480 đồng một nghìn, rồi tính với tỉ lệ thành công 60% [(70%+50%)÷2] thì tôi được khoảng 300 nghìn.
        Chiến lược ăn mày của tôi là dứt khoát không đeo bám khách chạy dọc phố. Nếu xin mà họ không cho, tôi dứt khoát không bám theo họ. Bởi nếu họ cho tiền thì đã cho ngay rồi, nếu họ cho vì bị đeo bám lâu, thì tỉ lệ thành công cũng nhỏ. Tôi không thể mang thời gian ăn mày có giới hạn của tôi để đi lãng phí trên những người khách này, trong khi tôi có thể xoay ngay sang mục tiêu bên cạnh.
         Trời, tay ăn mày này có đầu óc quá đi, phân tích như thể giám đốc kinh doanh hoặc giám đốc tiếp thị vậy.
          - Ông nói tiếp đi! - Tôi hào hứng.
          - Có người bảo ăn mày có số may hay xui, tôi không nghĩ thế. Lấy ví dụ cho anh nhé, nếu có một thanh niên đẹp trai và một phụ nữ xinh đẹp đứng trước cửa shop đồ lót mỹ phẩm, thì anh sẽ chọn ai để ăn mày?
Tôi ngẫm nghĩ rồi bảo, tôi không biết.
            - Anh nên đi đến xin tiền anh thanh niên kia. Vì đứng bên anh ta là một phụ nữ đẹp, anh ta chẳng lẽ lại không cho ăn mày tiền. Nhưng nếu anh đi xin cô gái đẹp, cô ta sẽ giả vờ là ghê sợ anh rồi lánh xa anh.
        Thôi cho anh một ví dụ nữa: Hôm nọ đứng ở cửa siêu thị BigC có một cô gái trẻ tay cầm túi đồ vừa mua từ siêu thị, một đôi nam nữ yêu nhau đang đứng ăn kem, và một anh chàng đóng bộ công chức chỉnh tề, tay xách túi đựng máy tính xách tay. Tôi chỉ nhìn họ ba giây, sẽ không ngần ngừ bước thẳng tới mặt cô gái trẻ xin tiền, cô gái cho tôi hẳn hai đồng xu, nhưng ngạc nhiên hỏi tôi tại sao chỉ xin tiền có mỗi cô ta. Tôi trả lời rằng, cái đôi tình nhân kia đang ăn, họ không tiện rút ví ra cho tiền, anh kia trông có vẻ lắm tiền, trông như sếp nhưng vì thế trên người họ thường không có sẵn tiền lẻ. Còn cô vừa mua sắm ở siêu thị ra, cô tất còn ít tiền thừa, tiền lẻ.
Chí lý, tôi càng nghe tay ăn mày nói càng tỉnh cả người ra.
         - Cho nên tôi bảo rồi, tri thức quyết định tất cả!
Tôi nghe sếp tôi nói bao lần câu này, nhưng đây là lần đầu tôi nghe một thằng ăn mày nói câu này.
          - Ăn mày cũng phải mang tri thức ra mà ăn mày. Chứ ngày ngày nằm ệch ra ở xó chợ, cầu thang lên đường vượt giao lộ, xin ai cho được tiền? Những người đi qua giao lộ, chạy qua cổng chợ đều vội vàng hoặc cồng kềnh, ai ra đấy mà chơi bao giờ, ra đấy xin chỉ mệt người. Phải trang bị tri thức cho chính mình, học kiến thức mới làm người ta thông minh lên, những người thông minh sẽ không bao giờ ngừng học hỏi kiến thức mới. Thế kỷ 21 rồi, bây giờ người ta cần gì, có phải là cần nhân tài không?
Có lần, có một người cho tôi hẳn 50 nghìn, nhờ tôi đứng dưới cửa sổ gào: "Hồng ơi, anh yêu em", gào 100 lần. Tôi tính ra gọi một tiếng mất 5 giây, thời gian cũng tương tự như tôi đi ăn mày một lần, nhưng lợi nhuận đạt được chỉ 500 đồng, còn kém đi ăn mày, thế là tôi từ chối.
Ở đây, nói chung một tay ăn mày một tháng có thể đi xin được một nghìn hoặc tám trăm lần. Người nào may mắn thì cùng lắm đi xin được khoảng hai nghìn lần. Dân số ở đây khoảng ba triệu, ăn mày độ chục anh, tức là tôi cứ khoảng mười nghìn người dân mới ăn mày một người. Như thế thu nhập của tôi ổn định, về cơ bản là cho dù kinh tế thế giới đi lên hay đi xuống, tình hình xin tiền của tôi vẫn ổn định, không biến động nhiều.
Trời, tôi phục tay ăn mày này quá!
         - Tôi thường nói tôi là một thằng ăn mày vui vẻ. Những thằng ăn mày khác thường vui vì xin được nhiều tiền. Tôi thường bảo chúng nó là, chúng mày nhầm rồi. Vì vui vẻ thì mới xin được nhiều tiền chứ.
Quá chuẩn!
            - Ăn mày là nghề nghiệp của tôi, phải hiểu được niềm vui do công việc của mình mang lại. Lúc trời mưa ít người ra phố, những thằng ăn mày khác đều ủ rũ oán trách hoặc ngủ. Đừng nên như thế, hãy tranh thủ mà cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Tối về tôi dắt vợ và con đi chơi ngắm trời đêm, nhà ba người nói cười vui vẻ, có lúc đi đường gặp đồng nghiệp, tôi có khi cũng vứt cho họ một đồng xu, để thấy họ vui vẻ đi, nhìn họ như nhìn thấy chính mình.
           - Ối ông cũng có vợ con?
           - Vợ tôi ở nhà làm bà nội trợ, con tôi đi học. Tôi vay tiền ngân hàng mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, trả nợ dần trong mười năm, vẫn còn sáu năm nữa mới trả hết. Tôi phải nỗ lực kiếm tiền, con tôi còn phải học lên đại học, tôi sẽ cho nó học Quản trị kinh doanh, Marketing, để con tôi có thể trở thành một thằng ăn mày xuất sắc hơn bố nó.
Tôi buột miệng:
         - Ông ơi, ông có thu nhận tôi làm đệ tử không?
(Trang Hạ dịch, theo diễn đàn Shenzhen, TQ)

Bài học của ông chủ doanh nghiệp

Năm 2003 tốt nghiệp đại học, tôi xin vào làm nhân viên kinh doanh cho một tập đoàn lớn về gạch ốp lát. Thời điểm đó, việc đi làm marketing không được có “tiếng” như bây giờ.


Nếu như ai đó hỏi tôi làm gì, tôi trả lời đi làm nhân viên thì ngay lập tức nhận được cái thái độ không mấy thiện cảm “ À làm tiếp thị chứ gì” . Ngày đó có một phong trào rất nhiều người mang các sản phẩm kém chất lượng đem đi quảng cáo và bán trực tiếp cho người tiêu dùng dưới dạng khuyến mại mua là trúng, thường áp dụng cho dầu gội đầu, bếp ga.. Thậm chí có kẻ lợi dụng để làm những việc xấu nữa, nên nhân viên tiếp thị thường bị rẻ rúng là như vậy. Tôi cũng thế, nhưng tôi biết việc tôi làm.

Và do đặc thù công việc của Công ty nên chúng tôi chỉ phải đi tiếp thị các đại lý và các nhà phân phối trong ngành thiết bị vệ sinh, điều này nhàn hơn và đỡ mang tiếng hơn các bạn kinh doanh khác khi họ phải trực tiếp tư vấn và bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Phòng kinh doanh chúng tôi ngày ấy chủ yếu là anh em vừa ra trường, và có một số anh chị lớn hơn, công tác lâu hơn thì được làm trưởng nhóm hoặc lên trưởng, phó phòng quản lý và hướng dẫn anh em mới chúng tôi. Tuổi trẻ, cộng với sự khao khát được làm việc nên chúng tôi làm rất nhiệt tình.

Không hiểu sao tôi được giao quản lý một khu vực rất xa, và rất rộng ở ngoại thành Hà Nội. Tuy đi lại có khó khăn vất vả nhưng khu vực mà tôi quản lý luôn đạt doanh số do cty đưa ra. Chính vì thế nên tôi cũng được các sếp tin tưởng và đánh giá cao. Thời gian cứ thấm thoát trôi, một năm, rồi hai năm, tôi đã quá quen khu vực quản lý của mình và các khách hàng trong khu vực. Tôi như một con ong cần mẫn chăm chỉ, lúc nào cũng sẵn sàng. Trời nắng đã đành, nhiều hôm trời mưa tầm tã, tôi vẫn lên đường đi gặp khách hàng. Những hôm mưa to gió rét, một chiếc áo mưa mảnh mai không che đủ cơ thể,một mình một con ngựa sắt tôi vẫn đi, vừa đi tôi vừa nghĩ sao mà mình khổ thế, những lúc như thế, tôi lại ước mình sẽ là ông chủ.

Một lần tôi đi thu tiền một khách hàng, đại lý này xa nhất trong khu vực tôi quản lý và ông chủ là một người cực kì khó tính. Tôi hẹn ông ấy là 3h chiều tôi sẽ đến, khi tôi đến thì ông ấy đang tiếp một khách hàng, để giữ ý cho ông chủ đại lý tôi lảng ra ngoài chờ đến khi vị khách kia đi thì tôi vào. Vừa thấy tôi vào ông ấy đã phủ đầu tôi: “Công ty chúng mày làm ăn kiểu gì đấy, vừa mới lấy hàng chưa kịp bán đã vác mặt đến đòi tiền”. Tôi tỉnh bơ nhưng trong lòng tức vô cùng vì cái thói hợm hĩnh của ông ấy từ những lần trước tôi gặp đã không làm tôi thấy thiện cảm. Tôi cứ đưa ông ấy xem quyển sổ công nợ để chờ ông ấy trả tiền. Số tiền ông ấy nợ công ty chúng tôi là 70 triệu. Tháng trước vợ ông ấy đã trả tôi ba mươi triệu còn lại là 40 triệu. Nhưng ông ấy không thèm nhìn sổ mà cầm cả sấp tiền ném lên mặt bàn rồi bảo tôi: “ Bảy cọc mỗi cọc 10 triệu là hết nợ, không phải đếm đủ cả rồi, kí vào đây” . Liếc qua biết là ông ấy trả thừa, tôi vơ cả nắm tiền rồi kí vào sổ của ông ấy “ đã thanh toán hết công nợ” và tôi cũng bắt ông ấy viết như thế khi ký vào sổ của tôi.

Trên đường về đầu óc tôi mông lung vì số tiền thừa mà tôi đang có, thậm chí tôi còn dừng xe giữa cầu Chương Dương mở hé cái túi để đếm tiền xem có đúng thừa 30 triệu thật không. Tôi gọi điện cho một số anh em trong công ty thông báo sự việc và cũng muốn mọi người tư vấn cho mình nên làm gì, TRẢ LẠI hay BIỂN THỦ? Mấy cậu kinh doanh bảo tôi : anh xin nghỉ công ty đi, anh đi làm cả năm cũng không đủ số tiền đấy, nhà ông ấy nhiều tiền không phát hiện đâu, với lại đã kí trả hết công nợ lại không ghi số tiền thì sợ gì. Tôi phân vân lắm, tôi vừa sợ lại vừa lo nếu người ta biết thì sao. Tôi đã giữ số tiền ấy qua một đêm, ( vì khu vực tôi ở xa nên sáng hôm sau tôi mới phải nộp tiền cho cty chứ không phải về công ty vào buổi chiều như các khu vực khác) tự nhiên tôi mất ăn mất ngủ vì nó, tôi nghĩ đến việc ông chủ kia sẽ biết và sẽ làm rùm beng lên như thể tôi là thằng ăn cắp. Hay ông ấy sẽ báo công an và tôi sẽ bị bắt để khai ra số tiền đó, biết đâu ông ấy sẽ thù tôi, sẽ thuê người theo dõi để hại tôi,...vv..

Cuối cùng tôi quyết định nộp cho công ty, và tôi giải thích với Giám đốc rằng tôi biết ông ấy nộp thừa nhưng tôi cứ cầm tiền về để bắt ông ấy phải lấy hàng, coi như đặt tiền trước. Ngay lập tức Giám đốc của tôi gọi điện sang cho khách hàng và thông báo về việc nhân viên của anh có thu thừa tiền của đại lý và với tài ăn nói của anh, anh có nói nếu đại lý cần thì sẽ cho người cầm sang còn nếu không thì để đây lấy hàng dần. Sau đó anh có dành một buổi sáng để nói chuyện với tôi, anh bảo tôi không tham nhưng không nên làm thế. Vì món tiền đấy không phải quá to để có thể đánh mất phẩm chất của mình.

Cuộc sống còn rất nhiều cám dỗ, nhưng nếu biết vượt qua những cám dỗ đó ta sẽ có thành công rực rỡ. Một nhân viên kinh doanh phải thật thà và ngay thẳng, nếu thật thà em sẽ còn làm được nhiều việc hơn thế…

Bây giờ khi tôi viết những bài này, tôi đã mở doanh nghiệp riêng, tuy rằng ban đầu còn khó khăn nhưng tôi luôn lấy những bài học từ thời còn là một nhân viên kinh doanh đi “hát rong” để làm bài học và kinh nghiệm sống cho chính bản thân và doanh nghiệp của mình sau này.

Trần Huỳnh

(Nguồn: VNE)

22/11/12

Vì sao tôi nghèo mà anh lại giàu?



Tại sao có cô công nhân dệt làm suốt 4 năm, đình công lên xuống mà vẫn không được tăng lương, còn một cô công nhân khác chỉ sau 2 năm đã kịp trở thành bà chủ một xưởng may?
>Tôi 19 tuổi, nợ vài chục triệu đồng vẫn muốn làm giàu/Tôi 22 tuổi thất nghiệp và chưa biết đi về đâu/

Ở đời người ta thường hỏi “Làm giàu thế nào?” chứ ít ai chịu hỏi “Vì sao tôi nghèo?”. Chính vì vậy nhiều người không bao giờ nhìn thấy những nhược điểm của mình để tự khắc phục và cuối cùng nghèo vẫn hoàn nghèo.
Chuyện anh nông dân
Có anh nông dân tên Nghèo, ông bà để lại cho 3 thửa ruộng. Mỗi năm ba vụ bán mặt cho đất bán lưng cho trời, sau khi trừ tiền giống, tiền phân, tiền phơi … và không bị lũ lụt, sâu rầy thì chỉ kiếm đủ tiền chi tiêu ăn uống. Năm ngoái xã mở đường nhựa qua ruộng Nghèo, tiền đền bù cũng được kha khá, nhưng chỉ ăn được hơn năm thì lại…nghèo.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Một anh nông dân khác tên Giàu, nhà cũng 3 thửa ruộng, cũng làm quần quật như anh Nghèo. Cuối vụ đập lúa xong anh hốt trấu về om bếp, xin người ta rơm rạ rồi bó lại thuê xe thồ đến bán cho nhà người xóm trên nuôi bò. Tối nằm vắt tay lên trán anh chợt nghĩ, sao nông dân thì cứ phải bán thóc nhỉ?
Thế rồi anh học người ta lấy gạo làm sợi bún, đem bỏ mối ngoài thị xã. Anh thấy hạt gạo chỉ chế biến chút thôi đã bán được giá gấp 5 lần. Thấy Nghèo mất ruộng, Giàu cho thuê ruộng cày, mua gạo của Nghèo về làm bún bán, không làm ruộng nữa.
Chuyện cô thợ dệt
Cô thợ dệt tên Nghèo, làm công nhân trên tỉnh, một ngày đạp máy 12h, đã 4 năm nay cô chỉ may cái túi vào áo. Vật giá leo thang, tiền lương vẫn thế, khó sống quá, cô rủ chị em đình công đòi tăng lương, chủ bảo 4 năm cô cũng chỉ làm được từng ấy việc, sao tôi phải tăng lương?
Một cô thợ may khác tên Giàu, làm cùng khâu với cô Nghèo. Giàu làm được 3 tháng biết việc rồi là xin sang tổ khác, cứ thế 2 năm sau đã thạo làm hết các khâu. Chủ đưa cô lên làm trưởng ca, lo chỉ bảo đôn đốc chị em trong xưởng.
Cuối năm rồi Giàu xin nghỉ về quê 3 tháng, dạy chị em trong làng xỏ kim may áo, vay tiền mua máy rồi lên tỉnh nói với chủ “chị giao áo cho em may, thợ em ở nhà không phải ăn cơm ở trọ nên em giao hàng giá rẻ hơn cho chị”. Còn Nghèo đâu biết vì có những người như Giàu mà Nghèo chả được tăng lương.
Chuyện anh họa sĩ
Một anh họa sĩ tên Nghèo, làm công ở xưởng chép tranh. Nghèo khéo tay vẽ đẹp, tranh của danh họa nào vẽ cũng giống một chín một mười. Nhưng đã sáu năm rồi, Nghèo vẫn cứ ... chép tranh.
Còn anh họa sĩ tên Giàu, chép tranh chả đẹp bằng Nghèo, chủ bán không được nên cho nghỉ việc. Giàu ngẫm tranh chép cũng là đồ giả mà lại đắt, chỉ bọn trọc phú mới mua. Giàu phóng tranh thành ảnh, lồng khung sang trọng rồi bán giá chỉ bằng 1/4 tranh của ông chủ nơi Nghèo làm việc. Thấy Giàu phất nhanh Nghèo hỏi cách nào, Giàu bảo “tại tớ bán khung mà người thì lại mua tranh”.
Ngẫm ở đời người ta thường hỏi “Làm giàu thế nào?” chứ ít ai chịu hỏi “Vì sao tôi nghèo?”
Đỗ Chí Hiếu

Người giàu và người nghèo khác nhau thế nào

Người giàu biết lao động hơn người nghèo, họ chăm chỉ hơn và làm việc hiệu quả hơn, ít sa vào nhậu nhẹt, vui chơi vô bổ.
> Vì sao tôi nghèo mà anh lại giàu?

Sau khi VnExpress đăng bài viết "Những cách tiêu tiền của giới siêu giàu", có ý kiến cho rằng hàng triệu đô bỏ ra để mua những thứ xa xỉ có thể dùng để làm từ thiện và giúp được hàng triệu người nghèo.
Tuy nhiên cũng có nhiều độc giả lập luận rằng tại sao những người nghèo đó không chịu vươn lên mà suốt ngày ngồi chờ bố thí. Những người giàu có ngày hôm nay cũng không ít người xuất thân từ đói khổ, nhưng sự khác biệt trong cách tư duy chính là chìa khóa giúp họ thành công. Họ hoàn toàn có quyền hưởng thụ thành quả mà mình đạt được.
"Người nghèo cũng phải biết tự trọng"
Độc giả tên Nam cho rằng: "Đừng dạy những người giàu cách tiêu tiền như thế nào. Việc đó chẳng khác gì cầm đèn chạy trước ô tô. Đừng nghĩ rằng những người giàu thì tiền của tự trên trời rơi xuống. Có mấy ai biết họ đã phải làm việc căng thẳng gấp nhiều lần người khác để kiếm đủ tiền trả lương cho công nhân, và các chi phí khác để công ty hoạt động phát triển".
"Đó có thể nói cũng là tiền mồ hôi nước mắt của họ đấy, ai bảo là sai? Hầu như (không phải tất cả) việc tiêu xài của người giàu đều có mục đích, chỉ chúng ta chưa hiểu nên quy kết bậy bạ mà thôi.
Còn người nghèo ư? Điều tôi muốn nói ở đây là: Người nghèo khác người tàn tật, vì vẫn còn khả năng lao động. Hãy sống bằng chính sức lao động của chính mình, đừng trông chờ vào sự giúp đỡ của bất cứ ai, để rồi nếu không được như ý của ta thì lại sinh ra căm giận, thù hằn" - độc giả này nhắn nhủ.
Độc giả tên Tường đặt vấn đề: "Người giàu và người nghèo khác nhau thế nào?"
Trước hết phải công nhận rằng người giàu biết lao động hơn người nghèo, họ chăm chỉ hơn và làm việc hiệu quả hơn, ít sa vào những thú vui tầm thường mà người nghèo hay mắc phải. Ngoài ra người giàu còn biết cách quản lý và sử dụng tiền bạc khôn ngoan hơn người nghèo.
Người giàu sớm tuân theo các nguyên tắc để trở nên giàu có. Có một câu danh ngôn rất hay: "99 trên 100 việc làm của người giàu đều có mục đích để làm cho họ giàu thêm".
Suy cho cùng, chúng ta - những người nghèo, cần phải học hỏi rất nhiều ở người giàu. Cần phải bỏ các thú vui tầm thường như nhậu nhẹt, vui chơi vô bổ. Phải học cách làm việc và cách sử dụng từng đồng cắc của người giàu. Còn việc họ tiêu tiền như thế nào, có giữ được cái tâm như lúc còn nghèo khó hay không đó là tùy thuộc ở mỗi người.
Thạch Lam tổng hợp

Nhiều người nghèo thích phô trương xe ga, iPad

Người nghèo rất muốn khoa trương, khi có tiền họ thay điện thoại đời mới, laptop mới, xe tay ga mới, du lịch dài ngày... và sau đó lại bắt đầu chu kỳ kiếm tiền => tiêu tiền...
>Người giàu chính đáng không tiêu tiền ngu ngốc/Những nỗi khổ của con nhà giàu

Tôi cho rằng những điều trong bài viết "Người giàu và người nghèo khác nhau thế nào" là rất đúng, đọc xong rồi ngẫm lại tại sao lại có những vụ sập bẫy muaban24h, người giàu không bao giờ mắc phải những lỗi như vậy, chỉ có người nghèo tiền bạc hoặc tri thức mới tham lam và dễ mắc bẫy như thế.

1. Người giàu kiếm tiền xong => bắt tiền làm việc đẻ ra tiền mới => tiêu tiền.
Người nghèo kiếm tiền xong => tiêu hết => lặp lại vòng tròn.

2. Người giàu sở hữu các máy sinh ra tiền, họ chỉ đóng vai trò là chủ và giám sát các máy đó. Các máy sinh ra tiền có vô số thể loại, liệt kê tạm là: tiền gửi tiết kiệm, khoản mua bảo hiểm, khoản cổ tức từ cổ phần, khoản vốn góp và các cơ sở kinh doanh của bạn bè, họ hàng, các căn nhà - khu đất cho thuê, chiếc xe cho thuê, bản quyền tác phẩm văn học hoặc sáng chế công nghệ, cơ sở kinh doanh thuê người vận hành ...

Bản thân người nghèo chính là cái máy kiếm ra tiền, họ ngừng làm việc thì tiền ngừng về, họ ốm đau thì tiền cũng hết, cùng với thời gian họ cũng rệu rã, kém hiệu suất, tất nhiên càng già càng nghèo.

3. Người làm giàu chính đáng ít khi tỏ ra mình là người giàu. Họ khiêm tốn, có kiến thức và văn hóa sống, họ ứng xử hòa nhã, khiêm tốn, và hay giúp đỡ người khác.

Nhiều người nghèo lại thích tỏ ra mình giàu có. Khi có một khoản tiền nào đó là rất muốn khoa trương, họ thay điện thoại đời mới, laptop mới, xe tay ga mới, du lịch dài ngày..., bắt tiền ra đi không ngoảnh lại và không ngừng nghỉ việc lặp lại chu kỳ tiêu tiền => kiếm tiền...
Đừng tin các câu chuyện cổ tích kiểu "nhà nghèo đẹp trai tốt bụng", hay giúp người nhưng kết thúc vẫn là ... Bụt giúp.

4. Người giàu sở hữu tài sản (những thứ tự động sinh ra tiền mãi mãi) và họ chỉ tìm cách mua thêm tài sản.

Người nghèo (và người đủ ăn trung lưu) sở hữu toàn tiêu sản (những thứ càng dùng càng mất tiền bảo dưỡng và khấu hao). Nhưng họ lại tưởng đó là tài sản và chứng minh sự giầu có của mình qua việc sở hữu đó (xe tay ga, điện thoại đời mới, laptop mới, iPad, xe hơi, màn hình LCD khủng...)
Chẳng hạn, trong làn sóng cổ phần hóa mấy năm trước, có đến 99% cán bộ công nhân viên của các doanh nghiệp được ưu đãi mua cổ phần đã nhanh chóng bán ra thu tiền và ... mua xe ga, điện thoại, laptop, đi nghỉ, xe hơi... để chứng minh họ đã trở nên giàu có.

5. Người giàu hiểu quy luật giá trị và quy luật vận động của đồng tiền, họ ít khi bị lừa kiểu "tuyển nhân viên làm ca 2h, gấp phong bì, lương 3 triệu, nghỉ thứ 7 chủ nhật", "góp vốn cho vay lãi suất 10% tháng", "tham gia bán hàng đa cấp sản phẩm X này ngay- chỉ sau vài tháng là ngồi hưởng thụ thôi",...
Đặc biệt họ không bị cuốn hút bởi các "bí quyết làm giầu nhanh siêu siêu tốc". Với họ việc mua được một loại cổ phần nào đó cổ tức khiêm tốn 10-20% năm, hay đầu tư một khu đất khiêm tốn ngoại ô với mức tăng giá đều đặn hàng năm 20%, hoặc sở hữu một cơ sở kinh doanh với doanh số tăng trưởng hàng năm trên 20% ...đã là những thành công ngoài sức tưởng tượng rồi.

6. Người giàu thường xuyên bị phá sản nhưng không khi nào bị nghèo đói.
Người nghèo chả bao giờ phá sản nhưng họ rất chung thủy với sự nghèo đói.

7. Người nghèo chỉ học cách kiếm tiền, họ không hề học cách giữ tiền và bắt tiền làm việc.

Người giàu thì học cách giữ tiền và bắt tiền làm việc, việc kiếm tiền là hệ quả tất yếu của "giữ tiền" và "bắt tiền làm việc".

8. Người nghèo coi một đồng tiền là một đồng tiền, có giá trị theo sức mua hiện thời.

Người giàu coi đồng tiền là một tên nô lệ bất tử, làm việc không ngừng nghỉ để tạo ra những đồng tiền mới.

Hưng Nghiêm

11/11/12

Giải mã cơn lốc xài sang


Giải mã cơn lốc xài sang
(PL)- Ở Trung Quốc, người ta mở hẳn một trường dạy văn hóa cho những người giàu. Những người giàu này phải đi học để biết cách xử sự tương xứng với số tiền họ có.

Mới đây Hermès - nhãn hiệu thời trang xa xỉ nhất thế giới đã khai trương chi nhánh tại TP.HCM sau bốn năm mở chi nhánh ở Hà Nội. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Hermès tại Việt Nam vẫn tăng trưởng đều 20%-30%. Điều đó cho thấy đang có một bộ phận người tiêu dùng chi tiền mạnh tay cho hàng hiệu.
Phóng viên:ông có thể lý giải tại sao Hermès không chọn TP.HCM trước thay vì Hà Nội?
+ TS Lê Xuân Nghĩa: Thực ra người Hà Nội (HN) có một tâm lý tiêu dùng mạnh tay hơn, chơi ngông hơn và người HN lại giàu có hơn ở TP.HCM. Điều này thể hiện tổng lượng tiền gửi tiết kiệm của người ở HN gần gấpđôi TP.HCM, mặc dù dân số của HN chỉ bằng một nửa TP.HCM. Trong khi đó tín dụng mà hệ thống ngân hàng cung cấp cho HN chỉ bằng một nửa TP.HCM. Nói cách khác, người HN có nhiều tiền nhưng không có nền tảng làm ăn.
. Ông có thể phân tích rõ hơn?
+trước đây chúng tôi hay nói đùa rằng tiền tiết kiệm ở HN đi qua đèo Hải Vân để vào TP.HCM. Như vậy để thấy rằng người HN rất nhiều tiền và tầng lớp trung lưu ở đây đang phát triển rất nhanh, họ tiêu dùng rất mạnh tay. Chúng ta có thể nhìn thấy tất cả xe hơi, xe máy sang trọng đều có mặt ở HN trước. Tính cách người sống ở HN cũng chăm chút hơn, đi xe phải sạch, quần áo phải sang trọng… Ngay cái nhà cũng muốn nhà to chứ không thể tạm bợ. Và khi họ có nhà rồi họ nghĩ ngay đến việc phải mua sắm các vật dụng trong nhà bằng mọi giá như tủ lạnh, máy rửa bát… Và một trong những mục tiêu họ sẽ phải phấn đấu là ăn ngon, mặc phải mốt và có thể tiêu dùng các sản phẩm đắt tiền… nên đó là điều dễ hiểu khi Hermès đã tới HN trước TP.HCM.
Chân dung người xài sang: Tầng lớp trung lưu
. Có thông tin rằng chỉ mới nhập về một bộ sưu tập Hermès thì loáng cái đã bán hết sạch. Trong khi bộ túi xách thời trang gồm bốn chiếc ấy có giá 140.000 USD/bộ thì quá kinh khủng và theo ông, ai là người dám bỏ ra hàng tỉ đồng để mua?
+ Thực tế thương hiệu Hermès được thiết kế rất đẹp, không cầu kỳ nhưng trẻ trung và được làm với chất lượng da rất cao cấp nên nhiều người thích là điều dễ hiểu. Tôi nghĩ không cần biết họ là ai, vì những người có tiền họ mua thì dù ở TP.HCM hay HN đều thế cả. Song tầng lớp mua chắc phải giống nhau mà đó là tầng lớp trung lưu. Tầng lớp này đang phát triển rất mạnh ở HN. Đặc điểm của tầng lớp trung lưu là họ bắt đầu có tiền để thực hiện các giấc mơ của họ khi họ còn nghèo nhưng không đủ lớn để nghĩ đến việc đầu tư và họ luôn nhìn thấy tầng lớp thượng lưu. Bởi vậy họ chỉ muốn tạo cho mình phong cách sinh hoạt hào nhoáng hơn, phần nào văn minh hơn. Nhất là phụ nữ trung lưu, họ coi chuyện mua sắm đồ nổi tiếng là mục tiêu không mệt mỏi. Và các hãng thời trang coi đây là đích ngắm của họ. Còn giới thượng lưu giàu có hơn nữa, họ coi những sản phẩm đắt tiền không có gì đặc biệt và không quan tâm nhiều đến nó, họ nghĩ đến việc đầu tư và kinh doanh nhiều hơn.
Nhưng nếu một người kiếm tiền cực nhọc họ có sẵn sàng tiêu xài xả láng như vậy không, thưa ông?
+ Thường những khu vực giàu lên một cách nhanh chóng thì tiêu dùng cũng rất dễ dàng hơn. Bởi thế những người kiếm tiền, có tiền một cách dễ dàng thì cũng sẵn sàng mua sẵm dễ dàng. Đó là tâm lý tiêu dùng của các quốc gia mới nổi như Việt Nam và Trung Quốc… Bởi ở các nước này, sự chênh lệch giàu nghèo trở nên rất lớn vì cơ hội làm ăn cho người giàu rất nhiều mà người nghèo dường như không có. Và khi xã hội mà tính minh bạch không cao thì khả năng tiếp cận cơ hội sẽ là lợi thế đầu tư làm ăn cho những người giàu có. Và việc kinh doanh của các quốc gia mới nổi là kinh doanh “cánh hẩu”, nghĩa là kinh doanh bằng quan hệ. Khi một người giàu đương nhiên có quan hệ rộng rãi, họ có thể gặp bất cứ ai. Còn người nghèo đến chủ tịch xã cũng khó tiếp cận được chứ chưa kể là các giới khác.
Phát triển tiền của và văn hóa không đều
. Những người giàu lên nhanh chóng này thường trong lĩnh vực nào, thưa ông?
+ Ở HN, nhóm những người kiếm tiền nhiều nhất là các đại gia đến từ việc kinh doanh đất đai. Cả nước diện tích đất bị tồn đọng là 71.000 ha, trong đó TP.HCM chỉ có 10.000 ha, còn HN là 21.000 ha. Điều đó cho thấy người HN đầu cơ rất mạnh vào đất đai. Họ đầu cơ cả ở các tỉnh khác như Đà Nẵng, Đà Lạt và TP.HCM…
. Nhưng thưa ông, tiền ở đâu ra để đầu tư vào đất đai?
+ Đất đai nằm ở trong tay chính quyền. Nó chỉ có thể thoát khỏi tay chính quyền để trở thành tư liệu sản xuất, dự án đầu tư khi mà chênh lệch về giá lớn. Và với một cơ chế như ở TP.HCM, về thủ tục cấp phép, đất thông thoáng hơn sẽ tạo ra chênh lệch giá đất ít hơn. Nên lượng người đầu cơ đất ở TP.HCM ít hơn ở HN. Và đó là những người có quan hệ nhất định với chính quyền hoặc những người biết cách để kiếm tiền sẽ giàu nên nhanh chóng từ đây.
.Khi người ta giàu quá nhanh chóng, liệu có hệ lụy gì đằng sau không, thưa ông?
Có một thực tếở các quốc gia mới phát triển, những đại gia mới nổi thì tốc độ phát triển của tiền nhanh quá mức so với sự phát triển của văn hóa.Chính vì thế ở Trung Quốc, người ta mở hẳn một trường dạy văn hóa cho những người giàu. Nghĩa là họ phải đi học để biết cách xử sự tương xứng với số tiền họ có. Tuy nhiên, ở Việt Nam dường như ít ai có ý thức học cho nên là ngông nghênh, con cái hành xử bừa bãi cậy thế bố có tiền và bản thân bố mẹ cũng vậy, không coi ai ra gì. Rất đơn giản, bởi vì kiếm tiền quá dễ và số tiền đó phát triển quá nhanh. Nên càng ngày văn hóa càng lùn đi mà tiền thì lên đến đỉnh cao.
Chơi cho người biết tay:  Cách chơi "lùn" trí tuệ
. Ông đánh giá thế nào về cách tiêu xài của người Việt Nam?
+ Một lần tôi cùng đoàn Việt Nam đi London công tác. Cả đoàn sống ở khách sạn bốn sao ở quận Chelsea, đây cũng giống quận 1, quận 3 ở TP.HCM. Buổi tối chúng tôi xuống nhà hàng ở khách sạn ăn cơm. Mọi người giao tôi đi chọn rượu. Tôi ra quầy bar thì chỉ thấy chủ yếu toàn rượu địa phương đóng chai giống lúa mới, nếp mới của mình. Loại duy nhất đắt tiền ở đó là Chivas 12 năm nên tôi đem vào thì bị cả đoàn chửi là tại sao lại keo kiệt đến thế. Tôi bảo đây là loại đắt nhất ở quầy bar thì không ai tin nên chạy ra kiểm tra thì đúng vậy thật. Một người trong đoàn tức tối đứng dậy gọi taxi ra một siêu thị bán rượu mua sáu chai Johnnie Walker loại Blue label về bày hết lên bàn trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Ngày hôm sau, một ông già của khách sạn hỏi tôi các ông là người nước nào mà ăn tiêu khủng khiếp thế, có phải là các tỉ phú không. Khi tôi bảo là người Việt Nam thì ông ta hỏi ở Việt Nam các ông làm nghề gì. Tôi không trả lời. Điều đó cho thấy cung cách ăn tiêu của người Việt Nam mình, xét về mặt văn hóa, vẫn kém phương Tây một bậc, kể cả những người có hiểu biết, có văn hóa.
Có thể người phương Tây sẽ dành một khoản tiền vài trăm USD để xem một vở nhạc kịch nhưng người ta không dùng số tiền đó để nhậu. Còn khi đã uống rượu, họ rất kỹ lưỡng và có công thức của nó. Chẳng hạn, người Mỹ khai vị uống Whisky, vào ngồi ăn thì uống vang, ăn xong rồi thì uống Cognac.
Lỗ hổng của giới trẻ
Nhưng sẽ ra sao nếu việc thích mua sắm, thích chơi ngông… không phải của đại gia mà ngay trong giới trẻ và đang trở thành trào lưu nghiện hàng hiệu?
+ Ở đâu cũng có trường hợp như vậy. Một lần đi Mỹ, tôi chứng kiến một chàng thanh niên da màu ngồi trong chiếc xe mui trần hạng sang. Khuôn mặt rất hãnh diện khi anh vặn nhạc to đến mức muốn rụng cả tim. Ở HN mới đây khi dừng ở ngã tư, một cô gái cũng đi xe mui trần mới tinh, ngồi trong xe bật nhạc rình rình khiến tất cả người xung quanh phải nhìn. Trong khi mọi người đều quay lại nhìn thì cô ta tỏ ra hãnh diện. Đó là trạng thái tâm lý của một tầng lớp mà sự giàu có của họ không tương xứng với văn hóa.
. Nhưng ông suy nghĩ sao khi có một số người cố mua xe hơi, mặc đồ hiệu… để tỏ ra sành điệu, giàu sang, hợp mốt trong khi họ vẫn đang ở nhà thuê?
+ Có thể nhà là quá xa tầm tay của họ nhưng điều này phản ánh tâm lý muốn tỏ ra cho thiên hạ biết mình cũng có vai có vế, có thần có thế, có tiền có của. Những người như vậy sức mua nhà của họ khác với những người bình thường. Tuy nhiên, tâm lý đua đòi ở những thứ mà nhiều người nhìn thấy như xe hơi, quần áo, điện thoại… để nhiều người thán phục. Còn nhà thì chẳng ai biết đâu.
Vậy theo ông điều gì đáng lo ngại nhất của giới trẻ bây giờ khi có một bộ phận đua đòi, thích mua sắm?
+Giới trẻ bây giờ có khả năng tiếp cận rất nhanh với thông tin toàn cầu. Điều đó cũng do tiến bộ công nghệ đem lại. Nhưng để bắt chước những giá trị tốt đẹp của các quốc gia khác đòi hỏi người có bản lĩnh, nghị lực và sự học hỏi. Trong khi bắt chước những cái gọi là bề nổi như ăn chơi, làm đẹp thì rất dễ. Trở thành một con người có sức mạnh trí tuệ thì rất khó nhưng để cho người ta thấy anh ta là một người sành điệu không khó lắm. Nhưng giới này lại là những người lôi người khác sử dụng và trở thành trào lưu.
. Xin cảm ơn ông.
Giàu nhưng trách nhiệm cộng đồng thấp

Trách nhiệm cộng đồng của nhiều đại gia Việt Nam rất thấp. Họ chỉ tỏ ra thích mặc đẹp, đi xe sang…, nói chung là thích sự hào nhoáng. Còn thường những người thực sự giàu có sống ở một môi trường tương đối văn minh họ hành xử với đồng tiền rất có trách nhiệm vì họ rất quý trọng đồng tiền.
Chẳng hạn, các tỉ phú Mỹ họ dành 30%-50% để làm từ thiện, không chỉ vì họ có trách nhiệm với xã hội mà họ biết rằng con cái của họ cũng có bổn phận phải đi kiếm sống, tự làm giàu chứ không thể sống trên nền tảng giàu có của họ. Bởi vậy thuế đánh trên tài sản thừa kế ở các nước châu Âu thường 50%-70%, thậm chí ở Thụy Điển trước đây từng đánh thuế lên tới 90%. Trong khi đó các tỉ phú Mỹ đến Trung Quốc vận động các tỉ phú Trung Quốc làm từ thiện thì cả buổi tối mời cơm thì chỉ có vài người tới. Đó cũng là cách hành xử kém văn hóa với đồng tiền mình kiếm được.
TS LÊ XUÂN NGHĨA
YÊN TRANG  thực hiện