22/11/12

Vì sao tôi nghèo mà anh lại giàu?



Tại sao có cô công nhân dệt làm suốt 4 năm, đình công lên xuống mà vẫn không được tăng lương, còn một cô công nhân khác chỉ sau 2 năm đã kịp trở thành bà chủ một xưởng may?
>Tôi 19 tuổi, nợ vài chục triệu đồng vẫn muốn làm giàu/Tôi 22 tuổi thất nghiệp và chưa biết đi về đâu/

Ở đời người ta thường hỏi “Làm giàu thế nào?” chứ ít ai chịu hỏi “Vì sao tôi nghèo?”. Chính vì vậy nhiều người không bao giờ nhìn thấy những nhược điểm của mình để tự khắc phục và cuối cùng nghèo vẫn hoàn nghèo.
Chuyện anh nông dân
Có anh nông dân tên Nghèo, ông bà để lại cho 3 thửa ruộng. Mỗi năm ba vụ bán mặt cho đất bán lưng cho trời, sau khi trừ tiền giống, tiền phân, tiền phơi … và không bị lũ lụt, sâu rầy thì chỉ kiếm đủ tiền chi tiêu ăn uống. Năm ngoái xã mở đường nhựa qua ruộng Nghèo, tiền đền bù cũng được kha khá, nhưng chỉ ăn được hơn năm thì lại…nghèo.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Một anh nông dân khác tên Giàu, nhà cũng 3 thửa ruộng, cũng làm quần quật như anh Nghèo. Cuối vụ đập lúa xong anh hốt trấu về om bếp, xin người ta rơm rạ rồi bó lại thuê xe thồ đến bán cho nhà người xóm trên nuôi bò. Tối nằm vắt tay lên trán anh chợt nghĩ, sao nông dân thì cứ phải bán thóc nhỉ?
Thế rồi anh học người ta lấy gạo làm sợi bún, đem bỏ mối ngoài thị xã. Anh thấy hạt gạo chỉ chế biến chút thôi đã bán được giá gấp 5 lần. Thấy Nghèo mất ruộng, Giàu cho thuê ruộng cày, mua gạo của Nghèo về làm bún bán, không làm ruộng nữa.
Chuyện cô thợ dệt
Cô thợ dệt tên Nghèo, làm công nhân trên tỉnh, một ngày đạp máy 12h, đã 4 năm nay cô chỉ may cái túi vào áo. Vật giá leo thang, tiền lương vẫn thế, khó sống quá, cô rủ chị em đình công đòi tăng lương, chủ bảo 4 năm cô cũng chỉ làm được từng ấy việc, sao tôi phải tăng lương?
Một cô thợ may khác tên Giàu, làm cùng khâu với cô Nghèo. Giàu làm được 3 tháng biết việc rồi là xin sang tổ khác, cứ thế 2 năm sau đã thạo làm hết các khâu. Chủ đưa cô lên làm trưởng ca, lo chỉ bảo đôn đốc chị em trong xưởng.
Cuối năm rồi Giàu xin nghỉ về quê 3 tháng, dạy chị em trong làng xỏ kim may áo, vay tiền mua máy rồi lên tỉnh nói với chủ “chị giao áo cho em may, thợ em ở nhà không phải ăn cơm ở trọ nên em giao hàng giá rẻ hơn cho chị”. Còn Nghèo đâu biết vì có những người như Giàu mà Nghèo chả được tăng lương.
Chuyện anh họa sĩ
Một anh họa sĩ tên Nghèo, làm công ở xưởng chép tranh. Nghèo khéo tay vẽ đẹp, tranh của danh họa nào vẽ cũng giống một chín một mười. Nhưng đã sáu năm rồi, Nghèo vẫn cứ ... chép tranh.
Còn anh họa sĩ tên Giàu, chép tranh chả đẹp bằng Nghèo, chủ bán không được nên cho nghỉ việc. Giàu ngẫm tranh chép cũng là đồ giả mà lại đắt, chỉ bọn trọc phú mới mua. Giàu phóng tranh thành ảnh, lồng khung sang trọng rồi bán giá chỉ bằng 1/4 tranh của ông chủ nơi Nghèo làm việc. Thấy Giàu phất nhanh Nghèo hỏi cách nào, Giàu bảo “tại tớ bán khung mà người thì lại mua tranh”.
Ngẫm ở đời người ta thường hỏi “Làm giàu thế nào?” chứ ít ai chịu hỏi “Vì sao tôi nghèo?”
Đỗ Chí Hiếu

Người giàu và người nghèo khác nhau thế nào

Người giàu biết lao động hơn người nghèo, họ chăm chỉ hơn và làm việc hiệu quả hơn, ít sa vào nhậu nhẹt, vui chơi vô bổ.
> Vì sao tôi nghèo mà anh lại giàu?

Sau khi VnExpress đăng bài viết "Những cách tiêu tiền của giới siêu giàu", có ý kiến cho rằng hàng triệu đô bỏ ra để mua những thứ xa xỉ có thể dùng để làm từ thiện và giúp được hàng triệu người nghèo.
Tuy nhiên cũng có nhiều độc giả lập luận rằng tại sao những người nghèo đó không chịu vươn lên mà suốt ngày ngồi chờ bố thí. Những người giàu có ngày hôm nay cũng không ít người xuất thân từ đói khổ, nhưng sự khác biệt trong cách tư duy chính là chìa khóa giúp họ thành công. Họ hoàn toàn có quyền hưởng thụ thành quả mà mình đạt được.
"Người nghèo cũng phải biết tự trọng"
Độc giả tên Nam cho rằng: "Đừng dạy những người giàu cách tiêu tiền như thế nào. Việc đó chẳng khác gì cầm đèn chạy trước ô tô. Đừng nghĩ rằng những người giàu thì tiền của tự trên trời rơi xuống. Có mấy ai biết họ đã phải làm việc căng thẳng gấp nhiều lần người khác để kiếm đủ tiền trả lương cho công nhân, và các chi phí khác để công ty hoạt động phát triển".
"Đó có thể nói cũng là tiền mồ hôi nước mắt của họ đấy, ai bảo là sai? Hầu như (không phải tất cả) việc tiêu xài của người giàu đều có mục đích, chỉ chúng ta chưa hiểu nên quy kết bậy bạ mà thôi.
Còn người nghèo ư? Điều tôi muốn nói ở đây là: Người nghèo khác người tàn tật, vì vẫn còn khả năng lao động. Hãy sống bằng chính sức lao động của chính mình, đừng trông chờ vào sự giúp đỡ của bất cứ ai, để rồi nếu không được như ý của ta thì lại sinh ra căm giận, thù hằn" - độc giả này nhắn nhủ.
Độc giả tên Tường đặt vấn đề: "Người giàu và người nghèo khác nhau thế nào?"
Trước hết phải công nhận rằng người giàu biết lao động hơn người nghèo, họ chăm chỉ hơn và làm việc hiệu quả hơn, ít sa vào những thú vui tầm thường mà người nghèo hay mắc phải. Ngoài ra người giàu còn biết cách quản lý và sử dụng tiền bạc khôn ngoan hơn người nghèo.
Người giàu sớm tuân theo các nguyên tắc để trở nên giàu có. Có một câu danh ngôn rất hay: "99 trên 100 việc làm của người giàu đều có mục đích để làm cho họ giàu thêm".
Suy cho cùng, chúng ta - những người nghèo, cần phải học hỏi rất nhiều ở người giàu. Cần phải bỏ các thú vui tầm thường như nhậu nhẹt, vui chơi vô bổ. Phải học cách làm việc và cách sử dụng từng đồng cắc của người giàu. Còn việc họ tiêu tiền như thế nào, có giữ được cái tâm như lúc còn nghèo khó hay không đó là tùy thuộc ở mỗi người.
Thạch Lam tổng hợp

Nhiều người nghèo thích phô trương xe ga, iPad

Người nghèo rất muốn khoa trương, khi có tiền họ thay điện thoại đời mới, laptop mới, xe tay ga mới, du lịch dài ngày... và sau đó lại bắt đầu chu kỳ kiếm tiền => tiêu tiền...
>Người giàu chính đáng không tiêu tiền ngu ngốc/Những nỗi khổ của con nhà giàu

Tôi cho rằng những điều trong bài viết "Người giàu và người nghèo khác nhau thế nào" là rất đúng, đọc xong rồi ngẫm lại tại sao lại có những vụ sập bẫy muaban24h, người giàu không bao giờ mắc phải những lỗi như vậy, chỉ có người nghèo tiền bạc hoặc tri thức mới tham lam và dễ mắc bẫy như thế.

1. Người giàu kiếm tiền xong => bắt tiền làm việc đẻ ra tiền mới => tiêu tiền.
Người nghèo kiếm tiền xong => tiêu hết => lặp lại vòng tròn.

2. Người giàu sở hữu các máy sinh ra tiền, họ chỉ đóng vai trò là chủ và giám sát các máy đó. Các máy sinh ra tiền có vô số thể loại, liệt kê tạm là: tiền gửi tiết kiệm, khoản mua bảo hiểm, khoản cổ tức từ cổ phần, khoản vốn góp và các cơ sở kinh doanh của bạn bè, họ hàng, các căn nhà - khu đất cho thuê, chiếc xe cho thuê, bản quyền tác phẩm văn học hoặc sáng chế công nghệ, cơ sở kinh doanh thuê người vận hành ...

Bản thân người nghèo chính là cái máy kiếm ra tiền, họ ngừng làm việc thì tiền ngừng về, họ ốm đau thì tiền cũng hết, cùng với thời gian họ cũng rệu rã, kém hiệu suất, tất nhiên càng già càng nghèo.

3. Người làm giàu chính đáng ít khi tỏ ra mình là người giàu. Họ khiêm tốn, có kiến thức và văn hóa sống, họ ứng xử hòa nhã, khiêm tốn, và hay giúp đỡ người khác.

Nhiều người nghèo lại thích tỏ ra mình giàu có. Khi có một khoản tiền nào đó là rất muốn khoa trương, họ thay điện thoại đời mới, laptop mới, xe tay ga mới, du lịch dài ngày..., bắt tiền ra đi không ngoảnh lại và không ngừng nghỉ việc lặp lại chu kỳ tiêu tiền => kiếm tiền...
Đừng tin các câu chuyện cổ tích kiểu "nhà nghèo đẹp trai tốt bụng", hay giúp người nhưng kết thúc vẫn là ... Bụt giúp.

4. Người giàu sở hữu tài sản (những thứ tự động sinh ra tiền mãi mãi) và họ chỉ tìm cách mua thêm tài sản.

Người nghèo (và người đủ ăn trung lưu) sở hữu toàn tiêu sản (những thứ càng dùng càng mất tiền bảo dưỡng và khấu hao). Nhưng họ lại tưởng đó là tài sản và chứng minh sự giầu có của mình qua việc sở hữu đó (xe tay ga, điện thoại đời mới, laptop mới, iPad, xe hơi, màn hình LCD khủng...)
Chẳng hạn, trong làn sóng cổ phần hóa mấy năm trước, có đến 99% cán bộ công nhân viên của các doanh nghiệp được ưu đãi mua cổ phần đã nhanh chóng bán ra thu tiền và ... mua xe ga, điện thoại, laptop, đi nghỉ, xe hơi... để chứng minh họ đã trở nên giàu có.

5. Người giàu hiểu quy luật giá trị và quy luật vận động của đồng tiền, họ ít khi bị lừa kiểu "tuyển nhân viên làm ca 2h, gấp phong bì, lương 3 triệu, nghỉ thứ 7 chủ nhật", "góp vốn cho vay lãi suất 10% tháng", "tham gia bán hàng đa cấp sản phẩm X này ngay- chỉ sau vài tháng là ngồi hưởng thụ thôi",...
Đặc biệt họ không bị cuốn hút bởi các "bí quyết làm giầu nhanh siêu siêu tốc". Với họ việc mua được một loại cổ phần nào đó cổ tức khiêm tốn 10-20% năm, hay đầu tư một khu đất khiêm tốn ngoại ô với mức tăng giá đều đặn hàng năm 20%, hoặc sở hữu một cơ sở kinh doanh với doanh số tăng trưởng hàng năm trên 20% ...đã là những thành công ngoài sức tưởng tượng rồi.

6. Người giàu thường xuyên bị phá sản nhưng không khi nào bị nghèo đói.
Người nghèo chả bao giờ phá sản nhưng họ rất chung thủy với sự nghèo đói.

7. Người nghèo chỉ học cách kiếm tiền, họ không hề học cách giữ tiền và bắt tiền làm việc.

Người giàu thì học cách giữ tiền và bắt tiền làm việc, việc kiếm tiền là hệ quả tất yếu của "giữ tiền" và "bắt tiền làm việc".

8. Người nghèo coi một đồng tiền là một đồng tiền, có giá trị theo sức mua hiện thời.

Người giàu coi đồng tiền là một tên nô lệ bất tử, làm việc không ngừng nghỉ để tạo ra những đồng tiền mới.

Hưng Nghiêm