26/12/10

Bài 4 các Kỹ Năng Cơ Bản Khi Xin Việc

CÁC KỸ NĂNG CƠ BẢN

I. Kỹ năng tự đánh giá bản thân
Trên thực tế, có khá nhiều bạn trẻ không nhìn nhận và đánh giá bản thân một cách nghiêm túc và chính xác. Và quá trình tự đánh giá bản thân thường xảy ra theo hai xu hướng: một là xu hướng đánh giá quá cao về bản thân sẽ làm các bạn trẻ trở nên tự cao và tự tin một cách quá mức, đôi khi hơi ngông cuồng; hai là xu hướng đánh giá thấp bản thân khiến nhiều bạn trẻ trở nên tự ti và mặc cảm. Chính vì vậy, nhiều bạn đã không tự đánh giá bản thân đúng đắn và chính xác.
Tự đánh giá bản thân chính xác cần đặt cái tôi của cá nhân trong nhiều mối quan hệ khác nhau, từng hoàn cảnh khác nhau. Khi đó, chủ thể sẽ biết cách ứng xử sao cho phù hợp và hiệu quả mà sẽ tự điều chỉnh hành vi và thái độ của bản thân.
Quá trình tự đánh giá còn đòi hỏi mỗi cá nhân phải biết nhìn nhận một cách nghiêm túc về những thói quen và phẩm chất vốn có của bản thân. Bởi chính những thói quen và phẩm chất vốn có này đã tạo nên bức chân dung hoàn hảo nhất và trọn vẹn nhất về bản thân của chủ thể.
Tự đánh giá bản thân chính xác sẽ giúp cá nhân tự tin hơn trong cuộc sống, cụ thể là tự tin hơn trong việc thể hiện chính mình, tự tin hơn trong lựa chọn công việc, có sự nỗ lực và quyết tâm dựa trên những khả năng mình đang có.
Thực hành: Chuẩn bị một tờ giấy trắng, chia làm hai cột. Suy nghĩ và sau đó liệt kê ra ít nhất 5 ưu điểm và 5 nhược điểm của bản thân (cố gắng ghi thật nhanh những gì cảm nhận được, không cần cân nhắc quá kỹ lưỡng). Xếp cất tờ giấy. Hãy làm điều đó ít nhất 3 lần, mỗi lần cách nhau 2-3 ngày, cố gắng không để những nhận xét lần trước ảnh hưởng, tác động đến lần sau. Hỏi người thân về những suy nghĩ, ấn tượng  của họ đối với mình. So sánh ý kiến của họ với những gì mà bạn tự đánh giá. Làm thường xuyên và điều chỉnh liên tục cho đến khi tự đánh giá của bạn tương đối chính xác và khách quan.

II. Kỹ năng xây dựng hình ảnh cá nhân
Làm thế nào để hình ảnh của bạn tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong mắt người khác? Đó là một câu hỏi khó và cũng không dễ thực hiện nếu như bạn không có sự nỗ lực và quyết tâm.
Thực tế, có rất nhiều bạn băn khoăn là sau nhiều lần gặp gỡ nhưng vẫn không làm người khác nhớ tên hay công việc của mình. Có thể các bạn chưa biết cách gây ấn tượng về mình với người khác. Điều này cho thấy các bạn chưa có chiến lược xây dựng hình ảnh cá nhân cho mình.
Kỹ năng xây dựng hình ảnh cá nhân sẽ quy định những biểu hiện của chính bản thân bạn trong quá trình giao tiếp với các đối tượng khác nhau. Biết tạo những điểm nhấn cần thiết ở từng đối tượng và thời điểm khác nhau sẽ giúp bạn trở nên nổi bật. Điều quan trọng là bạn phải biết lựa chọn vị trí để xây dựng nên hình ảnh của bản thân. Bởi khi đã lựa chọn vị trí cho mình thì bạn cũng chọn lựa cách bộc lộ và thể hiện, đồng nghĩa với việc bạn đang xây dựng hình ảnh cho chính mình.
Xây dựng hình ảnh bản thân tốt sẽ đem lại những hiệu quả đặc biệt trong giao tiếp và trong cuộc sống. Khi bạn biết cách xây dựng hình ảnh bản thân, bạn đã tạo được một ấn tượng sâu sắc trước người khác. Đó không phải là hình ảnh cao hay thấp, tốt hay xấu mà là hình ảnh thật sự của chính bạn. Và khi nhắc đến bạn, người khác sẽ hình dung ra được tất cả những gì thuộc về tính cách, năng lực, cách biểu hiện…của chính con người bạn.
Xây dựng hình ảnh bản thân không chỉ là chăm chút hình thức bên ngoài mà còn phải biết đầu tư sâu sắc hơn những biểu hiện bên trong. Chính vẻ đẹp nội tâm sẽ tạo nên một sức hút quan trọng có ảnh hưởng mạnh mẽ để chinh phục người khác. Khoảng cách không gian và thời gian cũng không thể xóa nhòa tâm tưởng người khác nếu như hình ảnh của bạn được xác lập một cách đặc biệt. Và mối quan hệ trở nên đầy ắp và bền vững vì cả hai phía đều có sự quan tâm và ấn tượng về nhau.
Thực hành: Vạch chiến lược để làm người khác nhớ bạn thông qua ít nhất 10 hành động cụ thể theo một kế hoạch chi tiết. Nếu những hành động của bạn làm cho người khác nhớ đến bạn nhưng hình ảnh của bạn không thống nhất, hãy điều chỉnh ngay. Người khác chỉ nhớ đến bạn dựa trên một hình ảnh chung chứ không phải vì bạn quá đa dạng trừ khi sự đa dạng của bạn cũng theo một hình ảnh chung đó, không phải nhạt nhòa và có dấu hiệu “đa nhân cách”.

III. Kỹ năng làm việc nhóm
Xã hội ngày càng phát triển, tính chất công việc cũng trở nên phức tạp hơn, mỗi cá nhân cần phải kết hợp với nhiều người thì mới đạt được hiệu quả tốt hơn.
Làm việc nhóm không phải là sự kết hợp một cách đơn giản để tạo nên số đông mà đòi hỏi phải có sự đầu tư, có sự tương tác, phối hợp đúng nghĩa dựa trên phương diện tâm lý giữa các cá nhân để cùng nhau thực hiện mục tiêu chung.
Có rất nhiều bạn chưa có kỹ năng làm việc nhóm. Chính “cái tôi” quá lớn của các bạn đã trở thành rào cản không thể vượt qua để các bạn có thể dễ dàng chấp nhận người khác. Mặt khác, thói quen chỉ luôn nhìn thấy khuyết điểm của người khác là một thách thức lớn đối với kỹ năng làm việc nhóm. Trong một tổ chức, một tập thể, khi mà ở các bạn vẫn còn tồn tại tâm lý không chịu nhau, không tôn trọng nhau, không lắng nghe nhau thì không thể có sự chung vai gánh vác một cách đúng nghĩa. Khi đó, mâu thuẫn nảy sinh là điều tất yếu.
Để làm việc nhóm đạt hiệu quả đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng và ăn ý của tất cả các thành viên trong nhóm, từ thủ lĩnh cho đến nhân viên. Mỗi thành viên trong nhóm đều có vai trò và vị trí khác nhau nhưng đều có một giá trị như nhau trong việc tạo nên thành công của nhóm. Chính vì vậy, mỗi thành viên đều phải có ý thức trách nhiệm hướng đến công việc chung cũng như sự thành công chung của nhóm, phải luôn ý thức rằng nhiệm vụ của tập thể là nhiệm vụ của cá nhân.
Để có thể làm việc nhóm, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi thành viên cũng cần phải có một nhà tổ chức, một nhà quản lý tốt. Người thủ lĩnh thật sự rất quan trọng trong việc gắn kết các thành viên trong nhóm. Muốn vậy, thủ lĩnh nhóm phải năng động, khéo léo, tận tâm, và gần gũi với mọi người.
Để có được kỹ năng làm việc nhóm thì điều trước nhất mà các bạn cần phải làm đó là loại bỏ những thói quen không đúng hay những cái nhìn chủ quan, phiến diện hoặc áp đặt. Để làm được điều này, các bạn không chỉ phải hiểu mình mà còn phải hiểu người. Biết chấp nhận người khác, biết sử dụng người khác trong từng hoàn cảnh khác nhau sẽ khơi gợi được tối đa tiềm lực của mỗi người, khi đó từng thành viên sẽ nhận biết sức mạnh của bản thân cũng như sức mạnh tổng hợp và đồng bộ của tập thể để tận dụng và tạo nên sự thành công của tập thể.

IV. Kỹ năng thích ứng với môi trường công việc
Đó là khi bạn vượt qua được áp lực và ứng phó được với những khó khăn của môi trường công việc. Để làm được điều này, các bạn cần có sự tin tưởng thật sự vào năng lực của chính bản thân mình.
Chúng ta không thể định lượng một cách cụ thể được những áp lực mà chúng ta phải đối diện trong cuộc sống hàng ngày. Và nhất là áp lực trong công việc. Khi phải tải một khối lượng công việc tương đối lớn và liên tục, các bạn bắt đầu rơi vào cảm giác mệt mỏi và căng thẳng, cảm thấy mình đang tự “đày” chính mình. Áp lực công việc có thể làm cho nguồn năng lượng hoạt động, sự hứng thú, đam mê của các bạn rơi vào khoảng không và các bạn muốn buông xuôi vì mệt mỏi và chán chường. Một số người có thể bị vướng vào những rắc rối không đáng có trong công việc chỉ vì những cảm giác tiêu cực đã làm các bạn ứng xử bị động, thiếu tinh tế. Đó là do các bạn không biết cách kiểm soát chính mình và biến việc chấp nhận áp lực trở thành chinh phục áp lực.
Áp lực trong công việc mang hai giá trị. Nếu như áp lực tạo nên động lực để con người cố gắng vươn lên và hoàn thành công việc một cách xuất sắc thì đó là áp lực mang giá trị tích cực. Ngược lại, nếu áp lực làm con người căng thẳng, mệt mỏi, muốn buông xuôi thì áp lực đó là tiêu cực. Tuy nhiên, để áp lực là áp lực tích cực hay áp lực tiêu cực phần lớn do nhận thức và suy nghĩ của các bạn đối với vấn đề đang trực diện. Mỗi áp lực có một mức độ ảnh hưởng riêng khác nhau và mỗi cá nhân chọn một cách thức riêng cho bản thân để vượt qua áp lực. Điều quan trọng là các bạn phải cố gắng vượt qua, đừng mãi “ôm” áp lực trong lòng.
Ở bất cứ độ tuổi trưởng thành nào thì con người cũng có thể gặp áp lực trong công việc, khi đó mỗi người phải nhận thức được rằng áp lực là điều không thể tránh khỏi hay có thể chối bỏ theo ý muốn, mà phải biết đối diện và chấp nhận, tìm cách vượt qua, không để áp lực đẩy mình rơi vào trạng thái khủng hoảng, hay buông xuôi phó mặc.
Các bạn tạo cho mình thói quen suy nghĩ rằng, mỗi người đều có những áp lực riêng trong công việc. Khi đó hãy tạm dừng công việc một khoảng thời gian ngắn để thư giãn, nghỉ ngơi, để quan sát và bình tâm suy nghĩ, tự tạo cho mình một động cơ phấn đấu mới để làm vơi bớt đi áp lực. Các bạn cũng có thể trò chuyện, tâm sự cùng bạn bè, người thân mỗi khi bị áp lực, bạn cảm thấy công việc trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu hơn. Chia sẻ là cách tốt nhất để được sự đồng cảm và sự tư vấn.
Mặt khác, cuộc sống luôn tồn tại song song những thuận lợi và khó khăn. Các bạn phải biết đối diện với khó khăn và tìm cách vượt qua. Các bạn luôn nhớ một điều rằng, trong khó khăn bao giờ cũng ẩn chứa những cơ hội, và cơ hội có đến với các bạn hay không là tùy thuộc vào bản lĩnh của các bạn. Vượt qua được những khó khăn và làm chủ cơ hội, khi đó các bạn sẽ thật sự trưởng thành trong cuộc sống, khẳng định được bản than và chứng tỏ được ý chí và niềm tin của các bạn. Điều cần làm là các bạn phải biết định lượng trước được những khó khăn, bình tĩnh tìm ra những phương án để giải quyết khó khăn theo tuần tự một cách tối ưu nhất. Khó khăn rồi cũng qua đi, điều quan trọng là bạn đã giải quyết khó khăn được bao nhiêu phần trăm nếu bạn cố gằng hết sức và rút ra được cho mình những kinh nghiệm quý báu.
Áp lực và khó khăn trong công việc là điều không thể tránh khỏi, vấn đề là các bạn tập cho mình những suy nghĩ tích cực trong cuộc sống. Suy nghĩ tích cực, cộng với sự nỗ lực hết khả năng thì dù khó khăn gì các bạn cũng sẽ vượt qua dễ dàng và đạt  được những mục tiêu mong muốn.
Thực hành: Hình dung viễn cảnh bạn chuẩn bị đi làm việc ở một môi trường hoàn toàn mới. Chuẩn bị một ít giấy và viết.
Liệt kê ra những việc bạn cần chuẩn bị trước khi đi làm.
Liệt kê ra những khó khăn mà bạn có thể gặp phải (khó khăn khi giao tiếp với cấp trên, với đồng nghiệp; khó khăn vì chưa có kinh nghiệm; khó khăn do công việc quá nhiều...). Với mỗi khó khăn, bạn cố gắng tìm những giải pháp để có thể vượt qua.
Mang tất cả những ghi chép của bạn cho người thân hoặc bạn bè đã đi làm để xin ý kiến và tiếp tục hoàn thiện những giải pháp đó.

V. Kỹ năng định hướng mục tiêu cuộc đời
Khi hỏi “mục tiêu trong cuộc sống của bạn là gì?” thì có khá nhiều bạn trẻ không biết mình muốn gì, cần gì và phải làm gì. Cho thấy các bạn chưa định hướng cuộc đời mình như thế nào, như vậy rất khó để các bạn làm chủ cuộc sống của chính mình. Mục tiêu cuộc sống càng mơ hồ thì các bạn càng cảm thấy lo lắng, căng thẳng và lạc lỏng.
Nếu bạn quan niệm cuộc sống như thế nào, bạn sẽ có khuynh hướng lao vào điều đó vì đó là mục tiêu của bạn. Không có mục tiêu giống nhau một cách tuyệt đối giữa các cá nhân vì vậy không thể lấy mục tiêu của người khác để làm mục tiêu cuộc sống của chính mình, và cũng không thể để mục tiêu của mình là sự tổng hợp mục tiêu của nhiều người khác. Mỗi người cần phải nghiêm túc đặt ra mục tiêu cuộc đời của mình. Mục tiêu của các bạn sẽ được xác lập dựa trên nhu cầu của chính các bạn, đồng thời dựa trên năng lực thật sự của mỗi cá nhân (cũng như các điều kiện liên quan khác) để thực hiện mục tiêu.
Cuộc sống có rất nhiều thứ để các bạn muốn vươn tới và chiếm lĩnh, nhưng các bạn cần tỉnh táo để xác định được đâu là mục tiêu đích thực của cuộc đời mình để các bạn cố gắng phấn đấu và chinh phục.
Định hướng cuộc đời trước tiên là các bạn phải hiểu được chính bản thân mình, sau đó nghiêm túc đánh giá năng lực, sở trường mà mình đang có cùng với ý chí và sự đam mê…Bên cạnh đó, các bạn cần quan tâm them những điều kiện xung quanh, tuy đó không phải là yếu tố quyết định nhưng chúng chính là chất xúc tác thúc đẩy các bạn tiến gần đến mục tiêu hay làm lu mờ đi mục tiêu của các bạn.
Kỹ năng định hướng mục tiêu cuộc đời là một kỹ năng quan trọng đối với các bạn trẻ, là cơ sở để các bạn bắt đầu một cuộc sống có ích và hạnh phúc.
Thực hành: Chuẩn bị một ít giấy và viết.
Bước 1: Hãy tự phác họa chân dung mình (bạn có khả năng gì, tính cách ra sao, có năng khiếu gì đặc biệt…). Sau đó hãy trả lời 3 câu hỏi:
- Sau 5 năm, mình sẽ như thế nào?
- Sau 10 năm, mình sẽ như thế nào?
- Sau 15 năm, mình sẽ như thế nào?
Bạn suy nghĩ thật kỹ trước khi trả lời.
Bước 2: Tiếp tục trả lời những câu hỏi sau:
- Mình phải làm gì để biến hình ảnh sau 5 năm nữa thành hiện thực?
- Mình phải làm gì để biến hình ảnh sau 10 năm nữa thành hiện thực?
- Mình phải làm gì để biến hình ảnh sau 15 năm nữa thành hiện thực?
Sau khi hoàn tất các bước trên với kết quả mà bạn cảm thấy phù hợp nhất, hãy tóm tắt lại thật ngắn gọn. Có thể vẽ tượng trưng mục tiêu của bạn sau 5, 10, 15 năm nữa bằng một hình ảnh nào đó, xung quanh hình ảnh là các giải pháp để thực hiện. Treo những hình ảnh đó ở góc học tập, góc  làm việc, hoặc ở nơi mà bạn dễ nhìn thấy nhất và coi đó là kim chỉ nam để bạn phấn đấu. Tất nhiên, trong quá trình thực hiện, bạn có thể điều chỉnh nội dung và giải pháp sao cho thật sự phù hợp. Cố gắng trung thành với các mục tiêu mà bạn đã đề ra.

Tài liệu tham khảo
1. ThS. Nguyễn Thị Oanh, Kỹ năng sống cho tuổi vị thành niên, Nhà xuất bản Trẻ
2. ThS. Nguyễn Thị Oanh, Làm việc theo nhóm, Nhà xuất bản Trẻ
3. TS. Huỳnh Văn Sơn, Nhập môn kỹ năng sống, Nhà xuất bản Giáo dục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét