24/12/10

bài 1 Rèn luyện kỹ năng xin việc & giao tiếp với Doanh nghiệp

Rèn luyện kỹ năng giao tiếp với Doanh nghiệp và kỹ năng xin việc

==========
Thanh niên nhận thức được tầm quan trọng của những kỹ năng mềm trong công việc và cuộc sống; Thanh niên có thể thực hành để rèn cho mình những kỹ năng mềm; Lớp tập huấn thật sự có ý nghĩa và thiết thực, cần mở rộng trong các hoạt động phong trào thanh niên;
Lứa tuổi thanh niên đầy những ước mơ và hoài bão. Sự thành công là vấn đề quan trọng mà mỗi thanh niên luôn mong chờ và hướng tới. Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng mà còn có rất nhiều khó khăn, thử thách và chông gai. Để thành công, bản thân thanh niên phải biết cách vượt qua những khó khăn, thử thách đó.
Trong những năm gần đây, kỹ năng mềm được nhiều người nhắc đến như là công cụ cơ bản và cần thiết để giúp thanh niên vững tin bước vào cuộc sống. Thanh niên rất cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để thích ứng và làm chủ cuộc sống. Những người sử dụng lao động cũng rất coi trọng các kỹ năng “mềm” bởi đây là yếu tố đánh giá rất hiệu quả bên cạnh những kỹ năng công việc truyền thống (đặc biệt những tiêu chuẩn đánh giá con người như sự tận tâm, hợp tác, tinh thần trách nhiệm…là những dự báo quan trọng đối với sự thành công trong nghề nghiệp)
Tài liệu được biên soạn nhằm trang bị thêm kiến thức cho học sinh, sinh viên, thanh niên về một số những kỹ năng mềm cơ bản và cần thiết trong quá trình tìm việc và làm việc. Rất mong nhận được sự góp ý !

I. Kỹ năng xin việc
1/ Các bước chuẩn bị tìm việc làm
- Lập kế hoạch nghề nghiệp (5 bước): Đánh giá bản thân; Xác định mục tiêu nghề nghiệp; Nghiên cứu công việc; Tính toán và ra quyết định; Lập kế hoạch hành động.
- Thiết lập quan hệ: là quá trình thiết lập các mối quan hệ với các cá nhân trong lĩnh vực bạn quan tâm, những người có thể trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ bạn trong  việc tìm việc làm ổn định.
- Thu thập thông tin để biết được nguồn thông tin tìm việc hiệu quả, sử dụng công nghệ để tìm việc (internet)
- Theo đuổi mục tiêu tới cùng.
2/ Các bước trong tiến trình xin việc
a) Chuẩn bị hồ sơ xin việc
ª Viết một bản lý lịch đẹp
Bản lý lịch (CV) là một bản mô tả súc tích quá trình học tập và kinh nghiệm làm việc của bạn (đảm bảo phải chuyển tải được những phẩm chất và khả năng cá nhân đáp ứng được yêu cầu của một công việc cụ thể). Đây là phương tiện cơ bản nhất để có được một cuộc phỏng vấn.
Trọng tâm của bản lý lịch
- Giải thích rõ ràng các mục tiêu nghề nghiệp
- Kỹ năng, kiến thức có được từ học tập cũng như những kinh nghiệm làm việc từ trước đó.
Trình tự
Ø Bắt đầu bằng tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email (nếu thích hợp)
Ø Nên thay các câu đầy đủ bằng các cụm từ để lý lịch được súc tích và trực tiếp vào vấn đề, bắt đầu bằng các động từ hành động.
Ø Sử dụng thuật ngữ chuyên môn nếu thật thích hợp.
Ø Mô tả cho nhà tuyển dụng thấy những gì bạn biết, sử dụng các chi tiết, con số và đặc tính để làm cho kinh nghiệm làm việc trước đây của bạn trở nên sinh động.
Ø Không cần thiết đưa thêm thông tin về gia đình vào bản lý lịch (nên tìm hiểu công ty tuyển dụng trước khi gửi đơn xin việc).
Ø Bản lý lịch cần được viết rõ ràng, mạch lạc, không trình bày lộn xộn, cỡ chữ rõ ràng, dễ đọc, không sử dụng nhiều hơn 2 kiểu chữ, sử dụng một ít các phương tiện (ngiêng, đậm, gạch chân…) để làm nổi bật các phần khác nhau.
Ø In bản lý lịch và đơn xin việc trên giấy chất lượng cao.
Ø Đọc lại nhiều lần trước khi gửi đi để chắc chắn rằng không có sai sót.
Lưu ý: Chỉ làm nổi bật những điểm mạnh và kinh nghiệm làm việc thật sự, không phóng đại những việc đã làm, điều này sẽ gây bất lợi cho bạn về sau.
Nên:
- Bắt đầu bằng kinh nghiệm, và chuyển sang học tập và các kỹ năng liên quan khác có thể sẽ có ích cho công việc.
- Giữ bản lý lịch chỉ dài từ một đến hai trang.
- Đánh dấu phần kinh nghiệm hoặc liệt kê kinh nghiệm một cách súc tích nhưng đầy đủ thông tin.
Không nên:
- Thông tin về gia đình nhiều hơn bản thân.
- Bản lý lịch quá dài từ 8 đến 10 trang; hoặc bản lý lịch theo kiểu điền vào chỗ trống.
- Có lỗi chính tả.
ª Thư xin việc
- Tự giới thiệu bản thân, kinh nghiệm làm việc và quan tâm của bạn về vị trí công việc đang xin; nhắc lại điểm mạnh muốn làm nổi bật.
- Thư xin việc nên dài một trang với các thông tin được sắp xếp thành ba đến năm đoạn văn; lướt qua một số các chi tiết như làm thế nào bạn biết có công việc; năng lực, trình độ học vấn và chuyên môn của bạn phù hợp như thế nào đối với công việc đang xin cũng như đối với yêu cầu của công ty (ngành học, kinh nghiệm làm việc liên quan, mục tiêu nghề nghiệp tương lai); mong muốn được tham gia phỏng vấn của bạn.
- Có thể kết thúc thư bằng cách nói bạn sẽ gọi lại sau khi gửi từ 1 đến 2 tuần để theo dõi tiếp (nhớ giữ lời hứa).
- Gửi thư trên bản lý lịch, không đính ghim hoặc kẹp bản lý lịch vào thư.
Lưu ý: Thư xin việc phải đảm bảo các yêu cầu
- Truyền đạt được những quan tâm và thái độ nhiệt tình đối với nghề nghiệp tương lai
- Nói rõ lý do viết thư
- Nhắc tới những điểm liên quan (Kỹ năng phù hợp công việc)
- Nêu bật những kinh nghiệm có liên quan và phù hợp
- Nói đến những đóng góp và thành quả quan trọng nhất đã đạt được trước đây
- Súc tích, đi thẳng vào vấn đề
- Không bị lỗi chính tả và cấu trúc ngữ pháp.
b) Phỏng vấn
Đây là cơ hội để nhà tuyển dụng gặp và tiếp xúc bạn, hiểu được tính cách, nhận xét những điểm mạnh và yếu của bạn, và xác định xem bạn có phù hợp với “văn hoá công ty” hay không.
Một số câu hỏi phỏng vấn thông dụng: Nói về bản thân; Lý do xin công việc (làm việc cho công ty); Hiểu biết về công ty; Ưu nhược điểm lớn nhất của bản thân; Mối quan tâm khác ngoài công việc; Thành tích đạt được mà bản thân thấy hài lòng nhất; Học vấn và kinh nghiệm làm việc liên quan thế nào đến công việc đang xin; Mục tiêu cuộc sống bản thân.
Những điều cần chú ý trước và trong khi phỏng vấn:
- Tìm hiểu trước thông tin (thông tin về công ty, thông tin về vị trí tuyển, thông tin xã hội có liên quan)
- Chú ý những biểu hiện bên ngoài: đúng giờ, chọn trang phục phù hợp (phù hợp với văn hoá công ty, phù hợp với vị trí tuyển dụng); trao đổi trước với người giới thiệu (nếu có)
- Trả lời trực tiếp tất cả các câu hỏi, trọng tâm, súc tích và chân thành
- Không nên đánh giá thấp thành công của bản thân, đồng thời cũng không phóng đại những công việc đã hoàn thành.
Những điều cần làm sau khi dự phỏng vấn:
- Bổ sung các giấy tờ cần thiết nếu nhà tuyển dụng yêu cầu
- Viết thư cảm ơn nhà tuyển dụng
+ Viết sớm sau buổi phỏng vấn (không quá 1 ngày sau buổi phỏng vấn)
+ Cảm ơn tất cả những người có liên quan
+ Tạo thêm ấn tượng tốt cho bản thân
+ Bổ sung thông tin mà bạn quên trao đổi trong buổi phỏng vấn
+ Ngắn gọn, đơn giản, chắc chắn rằng bạn không bị sai lỗi chính tả, và luôn kết thúc bằng lời cảm ơn.
Một số câu hỏi bạn có thể trao đổi với nhà tuyển dụng (thể hiện sự quan tâm của bạn đến công ty):
- Điều gì làm cho một người thành công ở công ty này?
- Có những kênh giao tiếp nào giữa những người tập sự và những người giám sát họ?
- Một số việc thường làm trong năm đầu tiên?
- Văn hoá tổ chức và phong cách quản lý của công ty
- Công ty có những kế hoạch gì cho phát triển trong tương lai?
- Các hoạt động của công ty phù hợp thế nào với các chương trình và phát triển trong khu vực và trên thế giới?
ª Những phẩm chất cần nhất của một nhân viên mà các công ty thường yêu cầu
- Sẵn sàng chia sẻ thông tin và ý tưởng
- Gắn bó với nhóm làm việc
- Thích ứng với sự thay đổi
- Có khả năng làm việc dưới áp lực
- Có ý thức về quyền sở hữu công việc và ý tưởng
- Sẵn sàng chấp nhận rủi ro tính trước và dám chấp nhận hậu quả
- Kinh nghiệm đa văn hoá cũng như khả năng nói nhiều ngôn ngữ
- Khả năng giao tiếp rõ ràng và trung thực với đồng nghiệp, cán bộ lãnh đạo và đối tác
- Hiểu biết chiến lược phát triển
- Có quyết tâm tiếp tục học hỏi và phát triển kỹ năng.
Lưu Ý:
Quá trình tuyển dụng thường theo các bước sau :
1. Nhà tuyển dụng căn cứ vào nhu cầu công việc mà tuyển dụng những vị trí họ cần
2. Thông báo tuyển dụng “trên báo, đài, tivi, trên mạng nội bộ trang web công ty”
3. Xem qua các hồ sơ ứng tuyển và chọn lọc lại một số lượng nhất định để xét tuyển (vòng sơ loại lấy khoảng 60%-70% số lượng hồ sơ nộp, vòng sơ loại lấy ít hay nhiều còn phụ thuộc vào số lượng hồ sơ nộp và vị trí cần tuyển dụng)
4. Kiểm tra chỉ số IQ để chọn một số lượng ứng viên nhất định, thường khoảng 50% để bước vào thi viết.
5. Thi viết : Nội dung thi thường là các vấn đề cụ thể liên quan đến công việc để đo lường khả năng phản xạ, cách giải quyết với tình huống xảy ra. Ít khi thi mang tính kiểm tra những vấn đề “hóc búa”
            Cũng có nhiều doanh nghiệp thực hiện thi viết kèm với kiểm tra chỉ số IQ, nếu vậy thì phần thi IQ sẽ chiếm khoảng 60%-70% lượng câu hỏi của bài thi chung, phần còn lại thi viết. 
6. Phỏng vấn trực tiếp.

Việc thi tuyển thường tiến hành theo 2 cách : (i) Doanh nghiệp tự tuyển dụng và (ii) Doanh nghiệp thuê một công ty chuyên trách về nhân sự làm thay, nhưng dù có thuê thì doanh nghiệp vẫn có người tham gia cùng tuyển dụng, đặc biệt phần phỏng vấn thường do doanh nghiệp chịu trách nhiệm chủ yếu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét